Khai thác cát phục vụ xây dựng nông thôn mới: Cần tăng cường "hậu kiểm"

13/06/2018 13:03

Chủ trương cho phép các địa phương tận dụng nguồn tài nguyên cát, sỏi để khai thác phục vụ các công trình xây dựng nông thôn là đúng đắn, tuy nhiên, thực tế cho thấy cần tăng cường việc "hậu kiểm" nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương này để làm ăn phi pháp...

Chủ trương đúng...

Tháng 11/2017, để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cát phục vụ nông thôn mới, UBND tỉnh đã có văn bản số 3129/UBND-NNTN thống nhất thực hiện thí điểm quản lý, khai thác, cung ứng cát sỏi phục vụ xây dựng công trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian 1 năm, kể từ tháng 12/2017. Theo đó, UBND huyện, thành phố được giao quyền cấp đăng ký/xác nhận cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định thực hiện khai thác cát, sỏi ở khu vực nhỏ, lẻ, để cung ứng cho các công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo ông Phạm Đức Hạnh- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là một chủ trương đúng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các ngành và địa phương, đặc biệt là những người trực tiếp triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, đang loay hoay với bài toán tìm nguồn cát.

Cần tăng cường 'hậu kiểm' đối với hoạt động khai thác cát phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.H

 

Bởi trên thực tế, để phục vụ các công trình xây dựng nông thôn mới, nhất là giao thông, thủy lợi, các địa phương thường "tận dụng" cát suối, mua với giá thấp, sau này, tỉnh và ngành chức năng siết chặt quản lý, không thể lấy cát suối được, vì như thế là vi phạm. Nhưng nếu mua cát từ các điểm mỏ có phép về thì giá cao quá, cộng thêm phí vận chuyển sẽ đội vốn, không kham nổi, dẫn đến chậm tiến độ...

Tuy nhiên, để có thể đưa một điểm vào hoạt động cần phải tuân thủ một quy trình thủ tục hết sức chặt chẽ. Đầu tiên, UBND huyện, thành phố phải lập danh mục các công trình xây dựng nông thôn mới có sử dụng cát, sỏi trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt; rà soát, điều tra và xác định khu vực có thể khai thác cát phục vụ xây dựng nông thôn mới với diện tích mỗi khu vực không quá 1ha.

Vị trí khai thác phải nằm ngoài khu vực đã được cấp phép hoạt động khoáng sản hoặc chấp thuận chủ trương cấp phép khai thác; nằm ngoài Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020; không thuộc khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, vùng cấm hoặc tạm thời cấm khai thác khoáng sản...

Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, UBND huyện, thành phố phải lập danh sách các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này, trình UBND tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng xác định mức tiền cấp quyền khai thác; chỉ cấp giấy xác nhận khi tổ chức, cá nhân được lựa chọn đã nộp tiền.  Đặc biệt, tổ chức, cá nhân được cấp đăng ký khai thác cát, sỏi phục vụ xây dựng công trình nông thôn mới phải sử dụng đúng mục đích, không được phép kinh doanh- ông Phạm Đức Hạnh cho biết.

Siết "hậu kiểm"

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường, để thi công 165 công trình nông thôn mới có sử dụng cát cần khoảng 38.000 m3 cát. Cho đến nay, UBND tỉnh mới phê duyệt 10 điểm khai thác ở huyện Đăk Glei (5 điểm) và huyện Sa Thầy (5 điểm); huyện Đăk Hà có 1 điểm đã hoàn tất hồ sơ chờ phê duyệt; huyện Ia H'Drai có 2 điểm đang được thẩm định.

Tuy nhiên, điều mà không ít người lo ngại là, nếu ngành chức năng và chính quyền địa phương không làm tốt khâu kiểm tra, giám sát sau khi cấp quyền khai thác sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng chủ trương đúng này để làm ăn phi pháp, trục lợi...

          Thực tế cho thấy, nghi ngại này hoàn toàn có cơ sở. Mới đây, ngày 1/6, theo đơn thư tố cáo của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra điểm khai thác cát phục vụ xây dựng nông thôn mới tại thôn Broong Mỹ (xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) và phát hiện nhiều sai phạm.

Theo hồ sơ, tháng 3/2018, UBND huyện Đăk Glei có Giấy xác nhận số 04/XN-UBND cho Công ty TNHH MTV Long Thịnh Lộc được khai thác 647m3 cát tại khu vực suối cạn thuộc thôn Broong Mỹ, xã Đăk Môn để phục vụ công trình nông thôn mới, với diện tích 0,98 ha; thời hạn khai thác đến ngày 31/12/2018.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này không tổ chức khai thác tại vị trí trên, mà tổ chức khai thác trái phép ở nằm ngoài khu vực được phép khai thác cát phục vụ công trình nông thôn mới. Tại hiện trường phát hiện 1 bè gắn máy nổ và hệ thống ống hút; trên bãi chứa có khoảng 6m3 cát, sỏi. Đặc biệt, doanh nghiệp này còn dùng máy đào cát sỏi trái phép để đắp một con đường dưới sông, làm thay đổi dòng chảy, gây nguy cơ sạt lở...

Như vậy, đơn tố cáo của người dân là đúng. Điều đáng nói là, điểm khai thác cát trái phép của doanh nghiệp này nằm gần đường Hồ Chí Minh, gần trụ sở UBND xã Đăk Môn, nhưng UBND xã vẫn không phát hiện và ngăn chặn kịp thời (?)

Để kịp thời ngăn chặn triệt để tình trạng này, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường khâu hậu kiểm, trong đó có việc tiến hành kiểm tra toàn diện các vị trí được xác nhận khai thác cát phục vụ công trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, nếu phát hiện có vi phạm sẽ đình chỉ ngay; yêu cầu các tổ chức, cá nhân được phép khai thác công khai khối lượng cát cụ thể sẽ khai thác để phục vụ từng công trình, như trường học A là bao nhiêu, tuyến đường B là bao nhiêu...để người dân giám sát- ông Lê Văn Tấn, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết.

Còn theo ông Võ Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, không chỉ kiểm tra, giám sát chặt hoạt động khai thác cát của các tổ chức, hộ gia đình được phép khai thác mà ngành chức năng còn giám sát khâu quản lý của chính quyền địa phương. Nếu phát hiện có sự buông lỏng quản lý hoặc làm ngơ của chính quyền xã, dù là vì lý do gì đi chăng nữa, cho các tổ chức, hộ gia đình sử dụng sai mục đích hoặc khai thác trái phép cũng sẽ kiến nghị xử lý nghiêm.

Thành Hưng

Chuyên mục khác