Kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Kon Tum

23/07/2023 06:15

Trong 6 tháng đầu năm nay, 3 xã Ngọc Bay, Đăk Rơ Wa, Đăk Blà vui mừng đón nhận các quyết định công nhận đạt xã nông thôn mới. Như vậy, đến thời điểm này, thành phố Kon Tum đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống của người dân.

Để tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thành phố Kon Tum đã chú trọng đầu tư, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động huy động nguồn lực trong nhân dân: vận động nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công để nạo vét kênh mương, làm đường đi khu sản xuất vào dịp ra quân đầu năm; hiến đất, công trình, cây trồng trên đất.

Người dân xã Ia Chim phát triển mạnh diện tích sầu riêng và cây ăn quả. Ảnh: H.N

 

Để tiếp tục nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố Kon Tum tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, điện, trường học, thủy lợi. Trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố Kon Tum đã tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công xây dựng 43 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng kế hoạch vốn 14.719 triệu đồng; đầu tư 6 tuyến đường điện chiếu sáng dọc các tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 8,497 km, tổng kinh phí 2.343 triệu đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ 2.167 triệu đồng, nhân dân đóng góp 176 triệu đồng); đầu tư triển khai 13 công trình giáo dục để hoàn thiện cơ sở vật chất dạy và học với tổng kinh phí 34.261 triệu đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 4.707 triệu đồng, ngân sách tỉnh 7.669 triệu đồng, ngân sách thành phố 21.88 triệu đồng và nhân dân đóng góp 330 triệu đồng); sửa chữa đập thủy lợi Đăk Ke Nor với kinh phí 78 triệu đồng.

Cùng với đầu tư hạ tầng nông thôn, để góp phần giúp người dân sống ở vùng nông thôn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập theo hướng bền vững, thành phố Kon Tum đã thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã rà soát diện tích đất trồng mì và các loại cây trồng kém hiệu quả để vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, cây mắc ca và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao; xây dựng kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn về lúa, rau, cây ăn quả trên địa bàn. Nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích, thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiến hành hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện các mô sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, tìm đầu ra cho các mặt hàng rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa của mặt hàng rau an toàn, nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng nông thôn ở thành phố Kon Tum ngày càng được nâng cao. Ảnh: HN

 

Theo thống kê, tổng diện tích các loại cây trồng trên địa bàn thành phố Kon Tum tính đến tháng 6/2023 là 23.555 ha, đạt 99,2% kế hoạch, bằng 100,4% so với cùng kỳ. Trong đó, với việc thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích trồng cây kém hiệu quả sang phát triển cây ăn trái các loại nên trong 6 tháng đầu năm nay, người dân trên địa bàn đã đầu tư trồng mới 62ha cây ăn quả (15ha sầu riêng, 42ha chanh dây) và tiếp tục tái canh diện tích cà phê, cao su già cỗi. Chăn nuôi tiếp tục ổn định và phát triển, tổng đàn gia súc khoảng 69.754 con, đạt 101,8% kế hoạch, bằng 106,5% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 502.000 con, đạt 101,41% kế hoạch, bằng 114,9% so với cùng kỳ; diện tích nuôi trồng thủy sản 200 ha, sản lượng thủy sản khoảng 280 tấn, đạt 35,9% kế hoạch, bằng 93% so với cùng kỳ.

Đến nay, số tiêu chí bình quân/xã đạt chuẩn nông thôn mới ở thành phố Kon Tum là 16,27 tiêu chí (179 tiêu chí/11 xã); 1 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 5 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, kinh tế nông thôn có những chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao (còn 612 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% so với tổng số hộ dân toàn thành phố, trong đó có 451 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 73,69% so với tổng số hộ nghèo); hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.       

Hà Nam

Chuyên mục khác