Kết nối tiêu thụ sản phẩm: Động lực thúc đẩy chương trình OCOP

08/06/2020 13:00

Việc thúc đẩy kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh phân bố rộng rãi trên thị trường sẽ tạo động lực kích thích để các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm để chương trình OCOP thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực.

Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đã thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân tham gia, qua đó giúp các địa phương tìm kiếm, phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm OCOP rộng rãi ra thị trường, nhất là vào hệ thống kênh bán lẻ, tiêu thụ hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2019, tỉnh ta có 19 sản phẩm được lựa chọn đánh giá, phân hạng và công nhận OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao và 3 sao. Ngoài ra, ở cấp huyện, thành phố các địa phương cũng đã lựa chọn, chấm điểm phân hạng hơn 50 sản phẩm OCOP cấp huyện.

Nếu như trước đây, các sản phẩm địa phương hầu như chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp và chỉ tiêu thụ ở mức độ khiêm tốn thì hiện nay, nhiều sản phẩm sau khi được xếp hạng là sản phẩm OCOP, được gắn sao cấp tỉnh đã dần vươn ra thị trường lớn hơn, mang lại giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm OCOP tiêu biểu cho các địa phương bước đầu đã mang lại lợi ích cho cộng động và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tỉnh ta có nhiều sản phẩm OCOP, nhưng chưa kết nối vào hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ hiện đại. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay khiến cho các sản phẩm OCOP của tỉnh ta chưa thể vươn xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa có mặt trong các siêu thị, ngay ở chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, sản phẩm OCOP cũng vắng bóng, người tiêu dùng không biết sản phẩm OCOP là gì.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.  Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện. Vì vậy, việc tìm kiếm, đánh giá, gắn sao cho sản phẩm OCOP mới chỉ bước đầu. Khâu quan trọng là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, bán lẻ, có như vậy chuỗi giá trị mới thực sự tồn tại và phát triển. Thế nhưng, đây vẫn còn là điểm yếu của các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh ta.

Nguyên nhân do các chủ thể tham gia OCOP đều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Các sản phẩm OCOP tuy có chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển, song hầu như các chủ thể còn lúng túng trong việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu, bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt và tạo ra sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng…

Chẳng hạn như sản phẩm trà khổ qua rừng DATO của  Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (huyện Đăk Tô) là 1 trong 19 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt cấp tỉnh năm 2019 và năm 2020 được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Thực tế, hiện nay sản phẩm trà khổ qua rừng vẫn đang “đứng ngoài” ngưỡng cửa của các hệ thống bán lẻ lớn. Vì vậy, mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm nay là triển khai chiến dịch mở rộng quảng bá và bắt đầu đưa sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng DATO “chen chân” vào các siêu thị lớn trong cả nước.

Còn sản phảm cà phê rang xay của Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cũng là một trong những sản phẩm được xếp hạng 3 sao trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hợp tác xã có nguồn nguyên liệu ổn định, sản phẩm được đánh giá có chất lượng, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn còn khá khiêm tốn, mới chỉ có mặt tại một số cửa hàng nhỏ lẻ, bán hàng online. Hiện nay, Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đang tích cực tìm kiếm, tham gia những chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại với mong muốn đưa sản phẩm vào được các kênh phân phối lớn.

Việc giải bài toán kết nối sản phẩm OCOP vào thị trường là vấn đề tất yếu hiện nay để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là vừa khuyến khích, khơi dậy sáng tạo của chủ thể nhằm tiếp tục khai thác lợi thế của mỗi địa phương, đa dạng các sản phẩm OCOP, vừa đẩy mạnh hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện bảo đảm đồng bộ. Trong đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tập trung hỗ trợ các chủ thể về khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn, hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện về mẫu mã, bao bì…để bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, hội thảo, trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh...

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố đang tiến hành hỗ trợ phát triển cửa hàng giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP ở các địa phương, từ đó giúp người dân nhận biết, mua được đúng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, cùng với sự dẫn dắt, đồng hành của các cấp, các ngành, bản thân các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất cũng phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất hàng hóa để đáp ứng các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại và hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP đã giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, góp phần khai thác được nguyên liệu sẵn có ở các địa phương, đồng thời, tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Việc thúc đẩy kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh phân bố rộng rãi trên thị trường sẽ tạo động lực kích thích để các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm để chương trình OCOP thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực.

Thiên Hương

Chuyên mục khác