19/09/2020 13:04
Ông Đinh Văn Trung - Giám đốc NHCSXH huyện Ia H’Drai cho biết: Ngoài việc tranh thủ tối đa nguồn vốn cân đối từ Trung ương và tỉnh, NHCSXH huyện có nhiều giải pháp để huy động vốn của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương bố trí ngân sách để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả, tính đến đầu tháng 9/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện đạt 113,355 tỷ đồng, tăng 107,219 tỷ đồng so với khi mới thành lập huyện. Trong đó, vốn cân đối từ Trung ương 109,135 tỷ đồng, chiếm 96,27% tổng nguồn vốn; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 4,22 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng nguồn vốn.
Bên cạnh đó, đơn vị còn huy động được 9,594 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân và tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần tăng nguồn vốn chính sách trên địa bàn.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong 5 năm qua, NHCSXH huyện chủ động tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện để chỉ đạo; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp trong việc triển khai thực hiện. Nhờ đó, quy mô tín dụng được mở rộng và chất lượng tín dụng chính sách đã đi vào ổn định.
|
Cụ thể, khi mới thành lập, NHCSXH huyện thực hiện cho vay 4 chương trình tín dụng, nhưng đến nay cho vay 14 chương trình tín dụng ưu đãi. Tổng dư nợ tính đến đầu tháng 9/2020 đạt 113,064 tỷ đồng, trong đó, 1.182 hộ nghèo dư nợ 55,378 tỷ đồng, bình quân 47 triệu đồng/1 hộ nghèo; 80 hộ cận nghèo dư nợ 4,088 tỷ đồng, bình quân 51 triệu đồng/1 hộ cận nghèo; số còn lại 53,598 tỷ đồng là các đối tượng chính sách khác trong huyện vay phát triển sản xuất. Riêng từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay là 26,272 tỷ đồng, với hơn 736 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân trên địa bàn yên tâm bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và dựng xây cuộc sống mới. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao.
Cụ thể, ở xã Ia Đal có các hộ nghèo: Nguyễn Viết Cường ở thôn 2 vay 50 triệu đồng mua 5 con bò giống, đến nay, bò sinh sản được 23 con; Lữ Hải Niên ở thôn 2 vay 40 triệu đồng mua 3 con bò giống, đến nay, bò sinh sản được 10 con; Triệu Thị Hoa ở thôn 2 vay 40 triệu đồng để trồng 1 ha cam, đến nay, vườn cam cho thu hoạch; Trần Thị Sen ở thôn 2 vay 50 triệu đồng để trồng 1,5 ha cà phê, đến nay, vườn cà phê đi vào kinh doanh và cho lãi ròng 100 triệu đồng/năm.
Ở xã Ia Dom có ông Phạm Văn Tân – hộ nghèo ở thôn 1 vay 40 triệu đồng mua 3 con bò giống. Theo đó, bò sinh sản được 6 con, năm 2019 ông Tân bán bớt 3 con và vay thêm vốn đầu tư trồng 1 ha cây ăn quả các loại. Vườn cây ăn quả của gia đình ông Tân phát triển tốt và mở ra nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Cũng ở xã Ia Dom, ông Nguyễn Văn Tiến (thôn 4) vay 90 triệu đồng mua 4 con bò giống và 2 con hươu giống. Qua thời gian chăn nuôi, đến nay, ông Tiến có một đàn bò 10 con và đàn hươu 7 con. Từ chăn nuôi, gia đình ông Tiến lãi bình quân 100 triệu đồng/năm. Các mô hình sản xuất trên đang từng bước được nhân rộng trong toàn huyện.
Ông Đinh Văn Trung cho biết thêm: Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến được với người nghèo, trong thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, trọng tâm là tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mơi.
Đồng thời, NHCSXH huyện phấn đấu đủ nguồn vốn để cho 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn để sản xuất kinh doanh; phấn đấu dư nợ tăng trưởng bình quân đạt từ 15% trở lên/năm và không có nợ quá hạn phát sinh. Đặc biệt, tăng cường phối hợp với các dự án khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề của huyện để phát huy hiệu quả; đồng thời, thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng được vay vốn kịp thời.
Nguyên Hà