23/05/2017 08:07
Trong suy nghĩ của mình, tôi vẫn cho rằng Ia H’Drai là một địa bàn “nóng” về nạn phá rừng làm nương rẫy. Cũng bởi vì ấn tượng khá sâu của những vạt rừng nghi ngút khói, những sườn đồi loang lổ than đen trong hành trình xuyên rừng cuối mùa khô năm 2015 để lại.
Vẫn nhớ, cũng trong chuyến đi ấy, tôi đã được chia sẻ nỗi lo lắng của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lương Viết Tú. Anh nói: Là huyện mới thành lập (tháng 3/2015), có diện tích rừng tự nhiên lớn (59.832,79ha); phần lớn dân cư là bà con DTTS phía Bắc vào làm ăn, cộng thêm lượng dân di cư tự do đến huyện ngày một tăng, đời sống đã quen với chuyện phát rừng đốt rẫy, trong khi diện tích đất sản xuất không nhiều, nên tôi e rằng, cùng với nạn khai thác trái phép, sản xuất nương rẫy cũng sẽ gây áp lực lớn lên rừng Ia H’Drai.
Vì vậy, lần này lên Ia H’Drai, tôi thấy lạ, thấy bất ngờ khi nghe Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai Ngô Văn Hải thông tin rằng từ đầu năm đến nay, đặc biệt là vào mùa sản xuất nương rẫy, áp lực lên rừng lại giảm mạnh, nếu không muốn nói đã bình yên.
Dù không muốn, nhưng tôi vẫn phải kiểm chứng thông tin (vốn là căn bệnh nghề nghiệp của cánh nhà báo) bằng việc hỏi thăm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lương Viết Tú, anh xác nhận: Tuy đã vào mùa mưa, là thời điểm người dân thường xâm lấn rừng để mở rộng diện tích đất sản xuất, nhưng rừng Ia H’Drai vẫn khá yên ổn, ngay cả những địa bàn “nóng” như thôn 9, xã Ia Dom cũng hiếm gặp người dân lấn chiếm rừng.
|
Đúng rồi, lúc nãy vượt cầu Sê San, qua Trạm kiểm soát liên ngành, tôi để ý rằng, ở vùng đệm giáp ranh huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai này, nơi có nhiều đường mòn băng xuyên rừng, không còn thấy những đám khói đốt rẫy của bà con từ các xã Ia Khai, Ia O (huyện Ia Grai) sang xâm canh như trước.
Tương tự, ở những khu vực dân cư áp sát bìa rừng như thôn 9 (xã Ia Dom), hay thôn 3 (xã Ia Đal), thôn 3 (xã Ia Tơi) cũng không còn tình trạng người dân vào phá rừng, lấn chiếm đất đai như vài năm trước đây. Hạt trưởng Tú tiết lộ: Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện, chưa phải xử lý một trường hợp nào phát rừng làm nương rẫy mới. Nương rẫy bà con đang canh tác đều là diện tích lấn chiếm cũ, đã sản xuất ổn định từ lâu.
Trở lại cuộc trò chuyện lý thú về nỗ lực giảm áp lực của sản xuất nương rẫy lên rừng, Giám đốc Ngô Văn Hải cho hay, hiện Công ty anh quản lý, bảo vệ 34.345,88ha rừng và đất lâm nghiệp. Địa hình phức tạp; phần lớn dân cư sống sát rừng, thậm chí là trong rừng; diện tích đất không có rừng phân tán, nằm xen kẽ trong diện tích chuyển đổi sang trồng cao su, dễ bị người dân lấn chiếm để canh tác... là những “điều kiện” dễ dẫn đến việc rừng bị lấn chiếm.
Tuy nhiên, với nỗ lực chung, cả năm 2016, đơn vị chỉ để bị mất hơn 0,9ha rừng, từ đầu năm 2017 đến nay không để xảy ra vụ nào. Có được kết quả trên, trước hết là do toàn đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng - anh Hải bộc bạch - Đơn vị đã thành lập các trạm, chốt bảo vệ rừng tại các “điểm nóng”; duy trì lực lượng trực, chốt chặn 24/24 giờ trong ngày, vì vậy, khi phát hiện có dấu hiệu phá rừng là đơn vị ngăn chặn kịp thời.
Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không vào phá rừng; tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng, nên có tác động lan tỏa cao, giúp ngăn chặn hiệu quả việc xâm hại rừng...
Ở góc độ là cơ quan giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, Hạt trưởng Lương Viết Tú nhận xét: Không chỉ riêng gì lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai đâu, mà cả ở lâm phần do UBND các xã, các doanh nghiệp khác quản lý, bảo vệ cũng không còn bị xâm hại. Từ số vụ, diện tích rừng bị xâm hại giảm hẳn đã cho thấy nỗ lực của chủ rừng.
Ngoài nhiệm vụ giám sát, phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện còn thường xuyên tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng xuống tận cơ sở; cung cấp số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng, các cá nhân có thẩm quyền đến các điểm dân cư để người dân nắm bắt, chủ động tố giác các hành vi xâm hại rừng; phối hợp với chính quyền, chủ rừng giải quyết kịp thời các vụ xâm lấn rừng, góp phần hạn chế khá hiệu quả tình trạng người dân vào chặt phá rừng làm nương rẫy - Hạt trưởng Tú cho biết.
Quá trình giảm áp lực của sản xuất nương rẫy lên rừng còn được sự ủng hộ tích cực của người dân. Anh Lê Văn Hào- Trưởng thôn 3, xã Ia Đal nói chắc nịch: Mùa nương rẫy năm nay, bà con trong thôn chỉ sản xuất ở khu vực nương rẫy cũ thôi, không phát thêm rẫy mới nữa. Một phần vì được tuyên truyền, giải thích rằng nếu làm vậy là vi phạm pháp luật, một phần vì chỉ chăm sóc cao su, canh tác trên bờ lô, hợp thủy là hết sức rồi...
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Ia H’Drai vẫn còn không ít thách thức. Theo Giám đốc Ngô Văn Hải, hiện nay, doanh nghiệp đang phải giải quyết nhiều vấn đề. Đơn cử như làm thế nào để bảo vệ diện tích rừng ở nhiều tiểu khu không còn liền vùng, liền thửa do thực hiện dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su; bố trí lực lượng ra sao để kiểm soát hiệu quả diện tích rừng xen kẽ với diện tích đất lâm nghiệp đã chuyển đổi; giải pháp nào để quản lý diện tích đất nằm ở các ốc đảo trên lòng hồ thủy điện khi người dân dùng thuyền xâm nhập để canh tác?...
Ở góc độ quản lý, Hạt trưởng Lương Viết Tú cho rằng, do các khu dân cư đều sát rừng, vì thế, để hạn chế nguy cơ xâm lấn rừng, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ gắn trách nhiệm cho từng Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao về phá rừng nương rẫy; phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ rừng tiến hành thường xuyên các đợt tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ ban đầu...
Thành Hưng