12/05/2024 13:05
Đến thăm gia đình anh Mai Văn Thu tại thôn 7, xã Ia Đal, chúng tôi thấy vườn chanh dây trĩu quả. Tâm sự với tôi, anh Thu kể: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi trên 4,6ha đất trồng mì có năng suất thấp sang trồng 1,6ha chanh dây, 1,7ha vú sữa hoàng kim, 1ha na và 0,3ha mít, dừa xiêm. Nhờ trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng kỹ thuật, nên các loại cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Chỉ tính trong hai năm trở lại đây, bình quân hàng năm tôi lãi ròng từ các loại trái cây nói trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thuê đất của các hộ dân khác trồng từ 9-10 ha cây bí đỏ, thu từ 50-80 tấn trái bí, đem bán các thị trường lớn ở miền Nam, tôi lãi trên 200 triệu đồng/năm. Như vậy, việc thu từ các loại trái cây nói trên, tôi lãi ròng 350 triệu đồng/năm”- anh Thu khiêm tốn kể.
|
Ông Trần Việt Dũng- Chánh Văn phòng Huyện ủy Ia H’Drai cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong hơn 2 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo toàn dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người dân để vùng biên ngày càng khởi sắc.
Để phát triển kinh tế ổn định, UBND huyện đã quy hoạch 140,47ha đất trồng lúa, trong đó có 45,39ha lúa nước. Trong năm 2022, UBND huyện đã hỗ trợ 1.535kg lúa giống HT1 để gieo cấy 12,79ha đất trồng lúa ở xã Ia Tơi và hỗ trợ 2 máy cày phay bánh lồng (động cơ diesel D10) cho 2 xã Ia Dom, Ia Đal để thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp UBND các xã thường xuyên tuyên truyền người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về sản xuất trên cây trồng, trong đó có cây lúa nước.
Đến nay toàn huyện đã có trên 29.079ha cây trồng các loại. Trong đó, ngoài diện tích cây trồng (khoảng 26.592,2ha) của các doanh nghiệp, người dân trồng mới được 180ha cao su, 47,8ha cây ăn quả, 56,3ha cây dược liệu, 1.800ha mì, 228,6ha lúa và 174,1ha cây hàng năm khác. Ngoài ra, công tác trồng rừng được Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện triển khai sớm từ nguồn vốn xã hội hóa. Đến nay, toàn huyện trồng được 386,3ha rừng tập trung, đạt 106,13% kế hoạch; trồng được 45.931 cây phân tán, đạt 115% kế hoạch, nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên 87,1%, đạt kế hoạch đề ra.
|
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác ở huyện còn khó khăn. Nguyên nhân là do, hiện nay, phần lớn diện tích các điểm dân cư trên địa bàn các xã nằm trong phần diện tích được giao cho các công ty, doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án trồng cao su là đất lâm nghiệp chưa được thu hồi, chuyển mục đích giao cho huyện để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời, chưa được chính quyền cấp trên điều chỉnh ra khỏi “Quy hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020”; “Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” chưa được phê duyệt; sự sai khác giữa hiện trạng người dân sinh sống với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm các dân cư công nhân.
Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2021-2025, Chánh Văn phòng Huyện ủy Trần Việt Dũng cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tập trung khai hoang một số diện tích có khả năng sản xuất lúa nước 2 vụ tại các khe suối để ổn định đất sản xuất lúa cho người dân; chỉ đạo đảng ủy các xã tập trung rà soát, quy hoạch các diện tích đất trồng không hiệu quả, năng suất thấp, sang trồng các loại cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao như cam, mít Thái, sầu riêng để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ giống cây trồng, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thật tốt, để sản xuất hiệu quả.
Trần Văn Phúc