20/09/2020 13:05
Mỗi khi đến mùa mưa bão, nhất là khi có những đợt mưa lớn kéo dài, huyện Ia H’Drai thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá tại một số tuyến đường giao thông và nước đổ về hệ thống sông, suối với lưu lượng và tốc độ dòng chảy rất lớn, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của nhân dân và ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm trên địa bàn như: cầu, cống, tràn, ngầm, hồ chứa nước.
Điển hình như xã Ia Đal, đây là xã có địa hình đồi núi, địa bàn rộng với 11 thôn. Khi có mưa lớn, một số tuyến đường liên thôn (đang còn là đường đất) của xã thường rất lầy lội, tuyến đường tuần tra biên giới hay sạt lở đất; một số công trình như: cầu dân sinh ở thôn Chư Hem, cầu tràn từ thôn Chư Hem qua thôn 6, 2 cầu dân sinh ở thôn 4, cầu treo bắc qua sông Sa Thầy và cầu Hoàng Anh ở thôn 5… thường bị ảnh hưởng.
Ông Phùng Ngọc Chiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết, với phương châm “Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” và “4 tại chỗ”, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN xã đã triển khai lực lượng đi kiểm tra và tiến hành sửa chữa, kè bờ chắc chắn cho các công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa bão; thực hiện nghiêm túc việc trực ban 24/24h; tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân những kiến thức phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; chuẩn bị lực lượng chủ lực hơn 100 người và các phương tiện (gồm 7 máy xúc, 10 xe tải, 60 phao tròn và áo phao, 2 nhà bạt, 30 bộ tăng + võng + chăn) cùng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
|
“Ngoài chủ động theo dõi liên tục tình hình dự báo thời tiết, khi có thiên tai xảy ra, xã Ia Đal lập tức triển khai lực lượng, phương tiện để khắc phục, sửa chữa các công trình bị ảnh hưởng; tổ chức cắm biển, chốt chặn tại 2 đầu các cầu nếu có mực nước dâng cao, không cho nhân dân đi qua; triển khai các phương án hỗ trợ nhân dân về lương thực, thực phẩm, nước sạch, y tế; phát động phong trào “lá lành đùm lá rách” để giúp đỡ những hộ dân bị thiệt hại vượt qua khó khăn” - ông Chiến chia sẻ.
Với xã Ia Dom, có 4 khu vực xung yếu, công trình trọng điểm thường bị ảnh hưởng nếu xảy ra mưa lớn kéo dài, đó là: thôn 3 (Làng thanh niên), ngầm tại vị trí Nông trường 1 - Công ty cổ phần ĐTPT Duy Tân, đường tuần tra biên giới và công trình cấp nước sinh hoạt Trung tâm huyện tại thôn 1.
Ông Võ Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho hay, chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão, xã Ia Dom quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, trong đó, chú ý đến việc chỉ huy tại chỗ và chủ động phòng là chính.
“Theo đó, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN xã đặt ra các tình huống thiên tai giả định, sau đó xây dựng các phương án phòng, chống và biện pháp khắc phục; thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thiên tai, truyền tải thông tin kịp thời đến các đơn vị và nhân dân trên địa bàn biết để chủ động phòng, tránh; tiến hành rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực xung yếu; khi có thiên tai xảy ra nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời, khắc phục hậu quả kịp thời, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống cho nhân dân” - ông Lạc nói.
Ông Trần Quý Phương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện) cho biết, chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão, huyện Ia H’Drai còn tổ chức kiểm tra, rà soát và xây dựng phương án bảo vệ các công trình đang thi công xây dựng, công trình trọng điểm trên địa bàn; xây dựng phương án sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; xây dựng lực lượng chuyên trách ứng phó với thiên tai cấp huyện hơn 30 người; dự trữ nhu yếu phẩm cho nhân dân ở các khu vực xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, trang thiết bị hỗ trợ các xã ứng phó với thiên tai.
Tin tưởng rằng, với sự chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, huyện Ia H’Drai sẽ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.
Đức Thành