13/08/2019 13:00
Ông Nguyễn Ngọc Sâm - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng bộ huyện, trong những năm qua, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc, các xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo. Trong quá trình thực hiện, huyện tập trung ưu tiên cho các hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ gia đình DTTS.
Theo đó, để giúp dân giảm nghèo, huyện tranh thủ các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất.
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay, các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn huyện đều được bê tông hóa hoặc trải nhựa, đảm bảo đến các xã trong cả hai mùa mưa, nắng; đường giao thông ở nhiều thôn làng được cứng hóa, nhiều làng còn có đường bê tông đến các khu sản xuất... thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá và nông sản.
Kết cấu hạ tầng ở nông thôn ngày càng được xây dựng khang trang, từng bước đáp ứng yêu cầu của người dân và sự phát triển của địa phương.
Trong việc hỗ trợ sản xuất, huyện tập trung vào các cây trồng, vật nuôi chiến lược, có giá trị kinh tế cao. Về trồng trọt, hiện nay, huyện quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho dân phát triển mạnh cà phê xen cây ăn quả (sầu riêng, mít ghép, bơ booth...) ở những vùng có điều kiện phù hợp; vận động người dân duy trì diện tích và thâm canh tăng năng suất cao su; hỗ trợ các giống lúa nước có năng suất và chất lượng cao; phát triển diện tích sử dụng giống mì cao sản để bảo đảm vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột.
Về chăn nuôi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò, lợn theo hình thức bán công nghiệp; hỗ trợ công cụ cho dân đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản lòng hồ Ya Ly, Plei Krông.
Về phát triển lâm nghiệp, huyện tăng cường giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ theo chính sách dịch vụ môi trường rừng gắn với phát triển cây dược liệu (sa nhân tím) dưới tán rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc.
|
Đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều từ năm 2016-2018, ông Trương Công Chính- Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho hay: Với hơn 100 tỷ đồng kinh phí, huyện Sa Thầy bố trí 59,51 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 18,56 tỷ đồng hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo sản xuất; 24,3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, 6,68 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất; 3,24 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a (hỗ trợ cây, con giống cho 8.272 hộ)...
Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện cho nhiều cán bộ huyện, xã, thị trấn tham gia tập huấn nâng cao năng lực giám sát, kỹ năng truyền thông phổ biến chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở nhiều lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cho người dân.
Để giúp người dân có vốn, huyện chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để tạo việc làm, phát triển sản xuất. Theo đó, 3 năm qua, Phòng Giao dịch thực hiện 15 chương trình tín dụng ưu đãi cho trên 4.000 hộ, với dư nợ cho vay trên 250 tỷ đồng (tăng trưởng tín dụng hàng năm 15%) và hơn 200 sinh viên vay vốn học tập.
Từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 40,3% (năm 2017) xuống còn 20,58% (năm 2018); cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện tiếp tục có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên một bước, từ đó tạo động lực để xây dựng nông thôn mới thành công...
Văn Nhiên