09/06/2019 06:25
Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, huyện Sa Thầy huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ và tạo điều kiện người dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thông qua đó, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Sa Thầy có những đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng xã hội như: giao thông, thuỷ lợi, trường học, nước sinh hoạt... ở nông thôn ngày càng được xây dựng kiên cố. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê được hình thành. Ở các vùng chuyên canh các loại cây trồng truyền thống như lúa, bắp, mì… đã đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật các giống mới có năng suất, chất lượng cao cho người dân sản xuất, thay các giống cũ, thoái hoá không còn phù hợp.
Theo UBND huyện, không tính các chương trình, dự án khác, năm 2018, riêng từ nguồn vốn Chương trình 102, huyện hỗ trợ cho người dân trồng trên 10.000 cây cà phê, 4.300 cây sầu riêng, gần 1.000 cây mít, 59.400ha cây bạch đàn, 26 tấn lúa giống HT1...
Qua việc thực hiện chủ trương hướng người dân tái cơ cấu lại nông nghiệp, nhất là ưu tiên phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đến nay, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển được 2.231ha cà phê và 11.968ha cao su.
|
Chăn nuôi cũng có bước phát triển, đàn trâu bò gần 1.000 con, đàn dê hơn 2.000 con, đàn heo trên 14.000 con...
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Sa Thầy tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Không tính các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, năm 2018, riêng giá trị sản xuất của các nhà máy chế biến tinh bột sắn, cao su đạt trên 1.300 tỷ đồng (2 nhà máy chế biến tinh bột sắn đạt gần 840 tỷ đồng và 2 nhà máy chế biến cao su đạt trên 470 tỷ đồng).
Kinh tế phát triển, năm 2018, các chi nhánh ngân hàng thương mại huy động gần 600 tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh và tổng dư nợ vay trên 950 tỷ đồng. Trong hoạt động cho vay, dư nợ cho vay với mức lãi suất thấp chiếm tỉ trọng lớn, góp phần làm cho sản xuất kinh doanh có điều kiện phát triển; nợ quá hạn trong tầm kiểm soát và dưới mức cho phép.
Ông Nguyễn Ngọc Sâm - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Năm 2019, huyện tập trung huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu tăng trưởng kinh tế 13% với cơ cấu hợp lý và đúng định hướng; thu nhập bình quân đầu người 37,87 triệu đồng/năm...
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, huyện Sa Thầy tập trung đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, khai thác quỹ đất để thu hút đầu tư.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Sa Thầy tiếp tục khảo nghiệm một số giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao; thực hiện một mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác bảo vệ rừng; xây dựng một số làng khai thác thuỷ sản tự nhiên tại một số lòng hồ thuỷ điện. Bên cạnh đó, huyện quy hoạch, đầu tư và phát triển một số vùng dược liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. VN |
Về nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển cây trồng có lợi thế so sánh (hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân phát triển cây cà phê, cao su), thâm canh mì, mở rộng trồng cây ăn quả (sầu riêng, bơ...) xen vườn cà phê; đẩy mạnh kế hoạch dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn; kiểm soát nguồn gốc và chất lượng cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình Xây dựng nông thôn mới.
Về công nghiệp, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như chế biến nông-lâm sản, điện năng lượng mặt trời, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn...
Trong quá trình đầu tư phát triển, huyện Sa Thầy và các chi nhánh ngân hàng thương mại chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát các hoạt động tín dụng để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay; ưu tiên cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực... trên địa bàn.
Đào Nguyên