Huyện Kon Rẫy: ​Chuyển biến từ thực hiện khâu đột phá

12/03/2018 13:01

​Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Kon Rẫy đã huy động tổng lực các mặt tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Mặc dù nguồn vốn xây dựng nông thôn mới có hạn, nhưng với việc huy động các nguồn lực thực hiện các mục tiêu đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, việc xây dựng nông thôn mới ở huyện có những bước chuyển tích cực.

Không tính những năm trước, riêng trong năm 2017, huyện Kon Rẫy huy động được 36,70 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn này, huyện phân bổ cho các xã thực hiện khâu đột phá xây dựng hạ tầng nông thôn gắn với đẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao thu nhập người dân. Bên cạnh đó, hiệu quả mang lại từ một số nguồn vốn khác do các sở, ngành làm chủ đầu tư đang triển khai, đã góp phần tạo ra những chuyển biến ở địa phương.   

Để tìm hiểu chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi về thôn 4, xã Đăk Tờ Lung. Ông U Đê, người có uy tín ở thôn 4, khoe: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đầu tư xây dựng đường bê tông, trường học, hỗ trợ xây dựng nhà rông văn hóa, khu thể thao ở các thôn, làng. Nông thôn xã Đăk Tờ Lung bây giờ thay đổi nhiều hơn so với trước.

“Tuyến đường bê tông trong thôn 4 này mới được Nhà nước đầu tư, người dân hiến đất và góp công sức xây dựng. Có đường bê tông đi lại thuận lợi, sản xuất phát triển, cuộc sống người dân không còn khổ như xưa” - ông U Đê phấn khởi kể.

Mô hình nuôi tằm ở xã Tân Lập. Ảnh: V.N

 

Ở xã Tân Lập, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đầu tư nâng cấp thủy lợi Đăk Snghé tưới lúa 2 vụ từ 78ha lên 88ha và cung cấp nước tưới cho 44ha cây trồng cạn; xây dựng 1,53km đường quản lý vận hành; nâng cấp 5,32km đường đất thành đường bê tông xi măng… tạo ra diện mạo mới ở địa phương.

Ông Đặng Tuấn Tịnh - Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, tuy không nằm trong diện xã điểm, nhưng với việc tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác cùng với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và việc vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, tham gia ngày công lao động… đã giúp xã hoàn thiện tiêu chí về thủy lợi và giao thông. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo UBND huyện, từ việc huy động các nguồn lực và chung sức xây dựng nông thôn mới, năm 2017, ở điểm tiêu chí đường bê tông xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được bê tông, nhựa hóa, huyện làm mới 9km, nâng tổng số lên 64,4km. Ở điểm tiêu chí trục đường thôn, làng, liên thôn, huyện làm mới được 9,16km, nâng lên 32,46km. Ở điểm tiêu chí đường nội thôn, ngõ xóm, huyện làm mới được 7,25km, nâng lên 17,75km. Đặc biệt, huyện còn triển khai việc mắc mới 400 bóng đèn ở 43 tuyến đường với chiều dài 20km thuộc các khu vực công cộng đông dân cư ở các xã.

Ở tiêu chí thủy lợi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu trên địa bàn huyện đạt 80% trở lên. Hiện nay, 6/6 xã ở huyện đạt chuẩn về tiêu chí thủy lợi. Ở tiêu chí điện, 6/6 xã có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt 100%...

Song hành với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn. Trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn; thực hiện Phương án chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ đông-xuân; thực hiện Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, Đề án phát triển cao su tiểu điền... Đồng thời, huyện khuyến khích chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang trồng một số giống mới như: bắp sinh khối, khoai lang Nhật, mía, chuối, thanh long ruột đỏ, nghệ đỏ; nuôi dê, heo, bò, rắn, ếch, trồng dâu nuôi tằm…

Để sản xuất có hiệu quả, trong năm 2017, huyện đã mở 6 lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cà phê, bời lời cho 210 học viên lao động nông thôn; 6 lớp tập huấn nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân taọ. Bên cạnh đó, Nông trường Cao su Đăk Tờ Re, Công ty CP Duy Tân mở 2 lớp dạy nghề cạo mủ cao su.

Mô hình chuối xã Đăk Tơ Lung. Ảnh: V.N

 

Có dịp về các địa phương, chúng tôi thấy mô hình cao su, chuối (xã Đăk Tờ Re, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Lung), tiêu, cà phê, dâu tằm (xã Tân Lập), nghệ (xã Đăk Tờ Lung), bời lời (xã Đăk Kôi), mô hình bò, heo ở các xã… đang phát huy hiệu quả kinh tế, giúp dân giảm nghèo và nâng cao đời sống.

Mặc dù còn nhiều việc phải làm, phải quyết tâm nhiều hơn nữa, nhưng với việc huy động các nguồn lực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, huyện Kon Rẫy tạo ra thế và lực mới giúp người dân nông thôn giảm nghèo, nâng cao đời sống. 

                                                                   Văn Nhiên

Chuyên mục khác