Huyện Kon Rẫy: Mở nhiều hướng đi giúp dân giảm nghèo

07/08/2017 07:00

​Thông qua việc mở nhiều hướng đi và tạo điều kiện cho người dân phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, cùng với việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, huyện Kon Rẫy đang tạo ra những động lực mới giúp dân giảm nghèo…

Nằm trên địa bàn có địa hình đất dốc, bạc màu không mấy thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, việc tìm hướng đi giúp dân giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kon Rẫy là việc khó khăn.

Không để “cái khó bó cái khôn”, trong những năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện Kon Rẫy mở nhiều hướng đi giúp dân giảm nghèo, góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Đến các xã trên địa bàn huyện trong mùa này, chúng tôi thấy khắp các núi đồi cây cối xanh tươi. Không còn những vạt đồi cây cối èo uột như ngày nào; màu xanh cao su, cà phê, bời lời, mì, bắp lai, chuối tiêu… đang tạo ra sức sống mới ở các xã Đăk Tờ Lung, Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Kôi, Đăk Tờ Re...

Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình sản xuất, ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re khẳng định, thông qua việc huy động các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, xã đang tạo ra những động lực giúp dân giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện cho người dân phát triển các cây trồng chiến lược như cao su, bời lời, xã tranh thủ các nguồn vốn 120, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, vốn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề… giúp dân phát triển cây chuối tiêu, mì cao sản KM140 và bò sinh sản. Nhiều hộ từng bước vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn trước.

Cây chuối tiêu được phát triển mạnh ở địa phương. Ảnh: V.N

 

Tại xã Đăk Ruồng, ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2010, xã chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí nông thôn mới. Nhưng bằng sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, sự phấn đấu của cán bộ và nhân dân, cuối năm 2016, xã đã đạt nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã đầu năm 2017 chỉ còn 6,9% (theo tiêu chí cũ). Việc mở hướng đi và việc tranh thủ các nguồn vốn giúp dân ứng dụng khoa học vào sản xuất và phát triển mạnh các loại cây cao su, bời lời, thâm canh lúa mới, mì cao sản… góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo. Đạt nông thôn mới, Đăk Ruồng tiếp tục nỗ lực củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.  

Bàn về việc giúp dân giảm nghèo, phát triển kinh tế, ông Huỳnh Minh Chương - Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy chia sẻ, mục tiêu chính của xây dựng nông thôn mới là giúp người dân nông thôn có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn trước và xóa dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, bên cạnh việc vận động người dân phát huy nội lực, huyện tranh thủ các nguồn lực mở nhiều hướng đi giúp dân phát triển thêm nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế để giảm nghèo và nâng cao đời sống.

Các cây trồng được huyện tạo điều kiện cho người dân ở các xã phát triển mạnh là cao su, bời lời, chuối tiêu, mì cao sản KM419, mì KM140, các giống bắp lai, lúa lai, lúa thơm có năng suất và chất lượng cao; cây bắp lấy thân nuôi dê, cây nghệ...

Cây cao su góp phần giúp dân giảm nghèo. Ảnh: V.N

 

Bằng những nỗ lực trên, đến nay, huyện Kon Rẫy đã phát triển được 3.635ha cao su, 2.320ha bời lời, 437,44ha cà phê, 50,21ha tiêu, hơn 3.200ha mì, 1.760ha bắp; đàn bò đạt gần 6.700 con, đàn dê 1.919 con, đàn heo trên 13.200 con… Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 12,5 triệu đồng/năm; hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từng bước giảm còn 2.345/5.261 hộ. Kết cấu hạ tầng và diện mạo nông thôn tiếp tục có những chuyển đáng kể. Đời sống vật chất và tinh thần người dân tiếp tục được nâng lên một bước.

Bên cạnh đó, ông Chương nhấn mạnh, huyện có các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời, du lịch sinh thái, nhà máy chế biến tinh bột sắn, dự án nuôi dê…

Nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn hoàn tất và dự kiến đi vào hoạt động quý IV/2017. Các nhà máy điện mặt trời đang trong giai đoạn khảo sát và lập dự án đầu tư. Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Epic Spa đang đi vào hoạt động. Bước đầu, một số người dân nấu rượu nếp than phục vụ khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Epic Spa. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dự án nuôi dê… sẽ góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Với kết quả đạt được cùng với hướng đi đã mở, huyện Kon Rẫy đang tạo ra những động lực mới giúp dân giảm nghèo, nâng cao đời sống và từng bước hoàn thành những mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác