Huyện Kon Rẫy: Khơi dậy sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới

18/06/2019 13:02

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là chương trình quan trọng, lâu dài và việc xây dựng nông thôn mới cần hướng đến mục tiêu bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn. Nhận thức rõ vấn đề này, trong những năm qua, huyện Kon Rẫy huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và khơi dậy sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Giúp dân giảm nghèo

Ông Võ Văn Lương - Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: Với sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Kon Rẫy có 2 xã Đăk Ruồng, Tân Lập đạt nông thôn mới và đang phấn đấu đến cuối năm nay thêm xã Đăk Tờ Lung đạt nông thôn mới.

Trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, khó khăn lớn nhất được huyện Kon Rẫy xác định là tiêu chí thu nhập bình quân đầu người và hạ tỷ lệ hộ nghèo.

Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện tập trung chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân phát huy tinh thần tự lực, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập. Đồng thời, huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ dân sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo đó, đối với các cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê... bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn vốn Nhà nước, người dân sử dụng vốn tiết kiệm và vốn vay để đẩy mạnh phát triển. Đối với các cây trồng truyền thống (lúa, bắp, mì), huyện tập trung hỗ trợ giống mới có năng suất cao, phân bón và chuyển giao kỹ thuật cho người dân thâm canh.

Các giống lúa mới năng suất cao được đưa vào sản xuất ở huyện Kon Rẫy. Ảnh: VN

 

Ở những khu ruộng không đảm bảo nước tưới, người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn như bắp, mì và các loại cây trồng sử dụng ít nước tưới, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn lúa.

Trong mấy năm trở lại đây, nhiều hộ còn chuyển một bộ phận diện tích đất sang trồng dâu nuôi tằm, lấy kén. Thu nhập từ việc trồng dâu nuôi nằm trên một đơn vị diện tích cao hơn các cây trồng truyền thống trên.

Trong chăn nuôi, huyện khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, trang trại; giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ.

Việc sản xuất đang từng bước gắn kết với tiêu thụ sản phẩm, thông qua tạo điều kiện và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Bước đầu, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH DV-KT Nông nghiệp xanh Kon Tum liên kết nông dân trồng khoai lang Nhật Bản ở xã Đăk Tờ Lung và Công ty CP Fococev Tây Nguyên liên kết dân trồng mì cao sản tại xã Tân Lập.

Với quyết tâm cao, huyện đang phấn đấu cuối năm nay, thu nhập bình quân đầu người các xã đạt 26,5 triệu đồng (riêng xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Lung thu nhập bình quân người dân đạt 38 triệu đồng trở lên); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã bằng hoặc thấp hơn 24,63%.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Kon Rẫy xác định việc xây dựng kết cấu hạ tầng là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới phần lớn tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Từ nguồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, các cấp chính quyền đầu tư phát triển mạnh hệ thống giao thông và vận động người dân hiến đất, vật kiến trúc trên đất, đồng thời đóng góp công sức để tham gia xây dựng. Hiện nay, các xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re đạt chuẩn về giao thông; các xã còn lại đang tiếp tục hoàn thiện.

Về thuỷ lợi, hệ thống kênh mương các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất ở các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã cũng đạt chuẩn tiêu chí về điện. Đối với trường học, 3/6 xã đạt chuẩn theo yêu cầu.

Về cơ sở vật chất văn hoá, các xã đầu tư xây dựng nhà văn hoá, hội trường đa năng và sân thể thao, các điểm vui chơi, giải trí theo đúng quy định. Qua quá trình đầu tư xây dựng, hiện có 3 xã (Đăk Ruồng, Tân Lập, Đăk Tờ Lung) đạt chuẩn.

Về thông tin truyền thông, có các điểm phục vụ dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet, đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn. Bộ máy hành chính quản lý nhà nước ở các xã đều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính để giải quyết tốt hơn yêu cầu người dân.     

Môi trường nông thôn được các xã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cây xanh, thu gom và xử lý rác thải theo quy định. Ở trong khu dân cư, thông qua nguồn vốn đầu tư từ một số chương trình và nguồn vốn tiết kiệm, người dân xây dựng và nâng cấp công trình vệ sinh, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh hơn trước.

Khơi dậy sức dân và huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện Kon Rẫy ngày càng đổi thay và đời sống người dân được nâng lên một bước.

Theo UBND huyện Kon Rẫy, năm nay, huyện huy động trên 22 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới 13,82 tỷ đồng, Chương trình Giảm nghèo bền vững 7,61 tỷ đồng và người dân đóng góp công sức trị giá gần 700 triệu đồng. VN

Văn Nhiên

 

 

 

Chuyên mục khác