Huyện Kon Plông: Đẩy nhanh công tác giảm nghèo

30/01/2015 09:49

Tiếp sức với Chương trình 30a, hàng năm tỉnh cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng giúp huyện Kon Plông xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho các xã vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế - xã hội, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh...

Là huyện vùng sâu, vùng xa và hiện đang nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước, trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực của mình, Kon Plông đang tiến nhanh trên con đường thoát nghèo. Cuối năm 2014, trên địa bàn huyện còn 1.911 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 31,53% (giảm 7,11%, so với năm 2013). Điều đó cho thấy, công tác giảm nghèo ở địa phương đang dần đi vào chiều sâu; đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Huyện đã xây dựng Đề án giảm nghèo theo Chương trình 30a (giảm nghèo bền vững) của Chính phủ, đồng thời triển khai theo một cơ chế rõ ràng: Trung ương hỗ trợ huyện; tỉnh hỗ trợ các xã nghèo; huyện đầu tư hỗ trợ các thôn nghèo và gia đình nghèo, khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp các hộ nghèo vay vốn chủ động làm kinh tế, không ỷ lại. Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã nghèo, thôn nghèo đăng ký thoát nghèo mới được hỗ trợ. Chủ trương này đã giúp các xã và thôn có căn cứ hỗ trợ phù hợp với từng điều kiện cụ thể.

Đến nay, tổng số vốn từ Chương trình 30a được thực hiện trên địa bàn huyện là hơn 160 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư phát triển trên 130 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất trên 21 tỷ đồng... Huyện vận động nhân dân khai hoang phục hóa đất sản xuất được 456 ha cho 1.767 hộ, hỗ trợ kinh phí để khai hoang trên 3,6 tỷ đồng. Toàn huyện có 1.851 hộ được giao quản lý bảo vệ 34.271,9 ha rừng thông qua các chính sách giao khoán, quản lý bảo vệ rừng như Chương trình 30a, Nghị định 178, giao rừng cho cộng đồng…, góp phần giúp nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập từ rừng (200.000 đồng/ha).

Bằng nguồn kinh phí từ các chương trình dự án khác, cộng với nguồn vốn của Chương trình 30a, huyện đã tổ chức dạy nghề cho trên 2.110 lao động nông thôn; có 108 người tham gia xuất khẩu lao động. Về sản xuất nông nghiệp, huyện còn hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ để chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; hỗ trợ công cụ sản xuất cho các lao động nông thôn học nghề nông nghiệp...

Giao rừng cho dân quản lý bảo vệ rừng tại thực địa. Ảnh: L.S

 

Thực hiện Quyết định 33/2007 của Thủ tướng Chính phủ, đối với nhiều vùng có nguy cơ sạt lở, huyện đã bố trí kinh phí trên 16,7 tỷ đồng để hỗ trợ di dời, xây dựng các khu định cư, định canh xen ghép tập trung ở Ngọc Tem, Đăk Ring và Măng Bút, ổn định nơi ở mới cho hàng trăm hộ dân để có cơ hội thoát nghèo, tránh được các nguy cơ do thiên tai gây ra.

Vận dụng chính sách ưu đãi về tín dụng, huyện đã chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các ngành, UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi; đi xuất khẩu lao động; làm nhà ở theo Chương trình 167 với tổng dư nợ trên 50 tỷ đồng cho 5.777 lượt hộ nghèo vay vốn. Nhiều hộ đã sử dụng vốn vay này đúng mục đích, hiệu quả. Từ nguồn vốn vay hỗ trợ này, kết quả có 879 hộ cơ bản thoát nghèo.

 Các lĩnh vực về giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn huyện cũng được đẩy mạnh. Đến nay, toàn huyên có 9/9 xã có trạm y tế kiên cố và 01 phòng khám khu vực. Chương trình hỗ trợ về giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhà ở công vụ, nhà ở học sinh bán trú từng bước được kiên cố hóa. Tỷ lệ học sinh đến lớp được duy trì ở mức cao qua các năm học từ 96 đến 98%; có 04 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 01.

Ngoài ra, tiếp sức với Chương trình 30a, hàng năm tỉnh cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng giúp huyện Kon Plông xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho các xã vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế - xã hội, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lân- Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, lúc bắt đầu triển khai Chương trình 30a, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm trên 70%. Nhưng từ khi được thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thiết thực, trong đó có Chương trình 30a đã giúp nhiều hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Bằng những chính sách hỗ trợ khá toàn diện, Nghị quyết 30a đã và đang mang lại sự no ấm, hạnh phúc cho những hộ nghèo. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác giảm nghèo ở Kon Plông là chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn còn thấp; chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước…; một số hộ nghèo chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ sử dụng vốn vay phát huy hiệu quả còn thấp; đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo còn bất cập về năng lực; nguồn ngân sách đầu tư chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất dành cho hộ cận nghèo còn thấp...

Theo ông Nguyễn Văn Lân, để giải quyết những vướng mắc và khó khăn này, huyện đang nỗ lực tạo nguồn cán bộ, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã; thực hiện các chính sách pháp lý hỗ trợ người nghèo; tiếp tục cử cán bộ đương chức và kiêm nhiệm tham gia các lớp tập huấn về chính sách, pháp luật để nâng cao năng lực cán bộ trong phổ biến các chính sách mới về giảm nghèo để giảm nghèo thực sự bền vững. Điều mong muốn của huyện là người nghèo phải được tiếp cận tất cả các chủ trương, chính sách liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và điều cần nhất là chính người nghèo phải tận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, nhất là Chương trình 30a để tự mình nỗ lực vươn lên thoát nghèo...  

                                                                         Dương Lê

Chuyên mục khác