Huyện Ia H’Drai: Phát huy vai trò kiểm lâm địa bàn trong công tác quản lý bảo vệ rừng

28/11/2017 06:11

Trong đội ngũ cán bộ, công chức kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn là lực lượng có vai trò quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Phát huy vai trò kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’Drai và các cấp chính quyền địa phương từng bước đưa công tác bảo vệ rừng đi vào nề nếp.

Để hiểu rõ hơn hoạt động kiểm lâm địa bàn, chúng tôi về xã Ia Dom.  Trao đổi về công tác tham mưu và hoạt động kiểm lâm địa bàn trong công tác bảo vệ rừng, ông Trịnh Quốc Hoàn- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết, trên địa bàn xã có 25.200,5 ha rừng tự nhiên, 4.743,5 ha rừng trồng (chủ yếu là cây cao su của các doanh nghiệp) và 2.171,7 ha đất lâm nghiệp. Trong diện tích rừng tự nhiên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai quản lý bảo vệ trên 17.000 ha, diện tích còn lại người dân và chính quyền địa phương quản lý.

Để góp phần quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng, ông Hoàn nhấn mạnh, những năm gần đây, kiểm lâm địa bàn tham mưu cho xã Ia Dom kiện toàn Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về quản lý bảo vệ rừng.

Xác định điểm nóng trong công tác bảo vệ rừng. Ảnh: V.N

 

“Để có thể phát huy vai trò, tôi bám địa bàn, bám dân; tham mưu cho chính quyền tổ chức nhiều cuộc tuần tra, đồng thời phối hợp với đoàn liên ngành huyện truy quét vào các “điểm nóng” phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ xâm hại rừng”- Mai Hữu Trọng, kiểm lâm địa bàn xã Ia Dom bày tỏ.  

Ở xã Ia Đal, ông Đặng Quốc Thắng- kiểm lâm địa bàn xã cho biết, xã có trên 21.000 ha đất tự nhiên, đường biên giới dài 43,5km và có hơn 9.300 ha rừng. Để góp phần bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, kiểm lâm tham mưu chính quyền và phối hợp với các ngành triển khai các biện pháp bảo vệ rừng. Thông qua việc triển khai các biện pháp bảo vệ, tình hình vi phạm lâm luật trong thời gian gần đây giảm nhiều hơn so với trước.

Bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng được ông Thắng nêu lên là hiện nay trên địa bàn xã có 333,92 ha rừng được giao cho người dân xã Mô Rai, huyện Sa Thầy quản lý. Từ xã Mô Rai về khu rừng giao cho dân xa hơn 40 km. Việc quản lý bảo vệ rừng của người dân xã Mô Rai đối với khu rừng được giao này gặp nhiều khó khăn. Ông Thắng đề nghị các cấp quan tâm điều chỉnh, thu hồi diện tích rừng này giao về cho người dân xã Ia Đal quản lý bảo vệ sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ở xã Ia Tơi, ông Chế Hồng Quyền- Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có trên 34 nghìn ha rừng, trong đó có 25 nghìn ha rừng tự nhiên. Rừng trên địa bàn giáp với 3 huyện: Sa Thầy (Kon Tum), Chư Păh, Ia Grai (Gia Lai). Với sự tham mưu của kiểm lâm, trên địa bàn xã thành lập 2 chốt (chốt đường bộ và chốt đường sông) quản lý bảo vệ rừng. Qua việc thành lập chốt và triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm và các ngành phát hiện 4 vụ cất giấu, vận chuyển hơn 18 m3 gỗ trái phép.  

Kiểm lâm địa bàn bám dân. Ảnh: V.N

 

Đến các khu rừng, gần giáp với những vườn cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, chúng tôi nhận thấy người công nhân cao su ở đây có ý thức bảo vệ rừng. Rơ Man Liêm, công nhân cạo mủ cao su sống gần rừng khẳng định: Gia đình sống gần rừng, hàng ngày lo cạo mủ và chăm sóc cao su. Rừng gần cao su, gia đình được cán bộ kiểm lâm và công ty tuyên truyền bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, cháy cao su. Vì vậy, gia đình không xâm hại rừng và không để xảy ra cháy rừng.

Phát huy vai trò kiểm lâm địa bàn, ông Trần Văn Tuyến- Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện cho biết, Hạt thường xuyên chỉ đạo lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt công tác tham mưu UBND các xã, bám dân, bám rừng và phối hợp với các ngành tổ chức truy quét, xử lý các “điểm nóng”... Công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương ngày càng đi vào nề nếp, tình hình vi phạm lâm luật giảm thiểu so với trước.

                                                                     Văn Nhiên

Chuyên mục khác