12/03/2018 18:19
Năm 2018, huyện Đăk Tô phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 7.100 tấn, trong đó thóc 6.645 tấn; lúa đông xuân đạt trên 570ha, lúa nước vụ mùa đạt 900ha, 6.000ha cây mì; diện tích cây công nghiệp là 9.773ha, trong đó, cây cà phê phấn đấu 1.970ha (trồng mới 50ha) và cây cao su trên 7.800ha; trong chăn nuôi, phấn đấu tổng đàn trâu 2.650 con, đàn bò 5.000 con, đàn heo 13.000 con, đàn gia cầm 87.000 con... Đó là mục tiêu mà huyện Đăk Tô phấn đấu trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong năm 2018 nhằm thúc đẩy kinh tế toàn huyện ngày càng phát triển.
Để đạt được mục tiêu đó, huyện Đăk Tô đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo định hướng người dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa bàn; vận động nhân dân các xã có điều kiện về đất đai dồn điền, đổi thửa hình thành cánh đồng lớn để áp dụng cơ giới, công nghệ cao vào sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Với cây lúa nước, những diện tích không đảm bảo nước tưới, diện tích lúa 1 vụ năng suất thấp, huyện vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như mía, bắp, cỏ voi (kết hợp chăn nuôi trâu, bò)... Cùng với đó, vận động người dân dồn điền hình thành các cánh đồng lớn để phát triển vùng nguyên liệu mía, mì theo hình thức liên doanh, liên kết với nhà máy chế biến, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…
Đối với cây lâu năm, huyện Đăk Tô xác định cây chủ lực là cà phê, cao su, trên cơ sở đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác, chủ động đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, chú trọng đối với các vườn cây cao su thuộc Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền.
Ngoài ra, để cây chủ lực phát triển mạnh, ngoài việc tích cực chăm sóc diện tích hiện có, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các cây trồng khác giá trị thấp sang trồng cao su, cà phê…
Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, huyện Đăk Tô đã chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát các công trình thuỷ lợi trên địa bàn, chủ động huy động nguồn nhân lực tại địa phương thực hiện nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo nước tưới trong vụ đông xuân, không để thiếu nước ở các tháng cuối mùa khô; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quản lý tốt các công trình thủy lợi trên địa bàn để phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Đăk Tô chủ trương phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi có chuồng trại kết hợp trồng cỏ, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò, từng bước hình thành các tổ nhóm hợp tác để hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật trong chăn nuôi.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và triển khai thực hiện có hiệu quả phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng đàn gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để giúp người dân phát triển sản xuất và chăn nuôi, huyện Đăk Tô chỉ đạo các xã chủ động thực hiện, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu trên địa bàn... để phát triển sản xuất và chăn nuôi.
Ngoài ra, để nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả, các xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, các loại vật tư nông nghiệp thiết yếu và các loại máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của mặt trận và các tổ chức đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không bán, sang nhượng đất sản xuất để đảm bảo người dân có đất sản xuất trước mắt cũng như lâu dài, tích cực lao động sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, huyện Đăk Tô đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình khuyến nông tập trung cho công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó ưu tiên các mô hình có ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, có liên kết thành chuỗi giá trị để người dân học tập và làm theo...
Tin rằng, với những giải pháp, sự quyết tâm, đồng sức đồng lòng của người dân, các mục tiêu, kế hoạch huyện Đăk Tô đặt ra trong năm 2018 sẽ đạt và vượt...
Phúc Nguyên