28/02/2019 13:00
Ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, chúng tôi tập trung chủ yếu vào công tác nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các thôn, xã khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi đối với các hộ nghèo để phát triển sản xuất, vận động các thôn, xã xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa bàn.
Từ những chia sẻ của ông Trịnh Xuân Lộc, vào những ngày đầu xuân này, chúng tôi đã có dịp trải nghiệm, tiếp cận thực tế ở một số xã vùng sâu của huyện.
|
Tại xã Ngọc Linh, 2 năm nay, anh A Tham ở thôn Kon Tuông, được chính quyền địa phương vận động, đã quyết định gắn bó với mô hình trồng sâm dây. Với giá sâm dây dao động từ 100 đến 300 nghìn đồng/kg, vụ sâm dây năm vừa qua, gia đình anh đã thu về hơn 40 triệu đồng.
“Trước đây, mình chỉ trồng cà phê với bời lời, được xã vận động, mình chuyển qua trồng sâm dây. Có được thu nhập cao, ổn định, mình vui lắm. Thời gian tới, mình quyết định sẽ tiếp tục trồng và mở rộng thêm diện tích sâm dây của gia đình. Nhờ cây sâm dây từ vụ mùa vừa rồi, mình đã có thể sửa sang lại nhà cửa và mua thêm quần áo cho các con đi học...” – anh A Tham nói.
Những năm gần đây, xã Ngọc Linh đã vận động bà con trồng sâm dây và đến nay, tổng diện tích sâm dây của xã đã gần 30ha. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu, đời sống của các hộ gia đình đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cùng với xã Ngọc Linh, xã Mường Hoong cũng đã tích cực vận động người dân trồng sâm dây.
Từ UBND xã Mường Hoong đi thêm khoảng hơn 1km, chúng tôi đã đến được với thôn Mô Po (xã Mường Hoong). Thu hút ngay sự chú ý của chúng tôi khi vừa bước vào làng là hình ảnh vợ chồng anh A Thoan – Trưởng thôn Mô Po đang lụi hụi với bao sâm dây mới thu hoạch từ rẫy của mình.
Vừa phân loại những củ sâm to, nhỏ thành 2 bao riêng biệt, anh vừa tâm sự: Cả thôn Mô Po có 30 hộ gia đình thì đã có đến 27 hộ là hộ nghèo rồi. Thời tiết khắc nghiệt, đường đi xấu, nên bà con mình làm gì cũng khó khăn. Từ năm 2017, chính quyền xã đã vận động các gia đình trong làng trồng sâm dây. Bà con nghe theo và đến nay có nhiều hộ thu được hơn chục triệu đồng/năm. Từ một vài hộ trong thôn, nay gần như tất cả các gia đình ai ai cũng đều trồng sâm dây. Nhờ có thu nhập từ cây sâm dây mang lại, cuộc sống bà con cũng bớt khó khăn hơn mấy năm trước nhiều.
Anh A Thoan nhớ lại: Ngày trước vợ chồng tôi cũng chả biết đến loại cây này, quanh năm chỉ làm ruộng lúa. May sao được chính quyền xã vận động, lại hướng dẫn tận tình về cách trồng, nên chúng tôi mới trồng được rẫy sâm dây như bây giờ. Nhờ có cây sâm, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn, vụ tới, tôi sẽ cố gắng phấn đấu mở rộng thêm diện tích...
|
Ông Lê Bá Thế - Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết: Chúng tôi luôn bám sát nhu cầu của người dân, để từ đó có thể hỗ trợ, giúp đỡ người dân về các mặt một cách thiết thực nhất. Nhờ mô hình trồng sâm dây, hiện tại thu nhập bà con đã tăng cao so với những năm trước. Theo thống kê trong năm 2018 mức thu nhập của người dân đã tăng gần gấp đôi so với năm 2017, từ 7,8 triệu đồng đã tăng lên 16 triệu đồng.
Ông Trịnh Xuân Lộc đánh giá: Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nâng cao đời sống của người dân. Qua triển khai các mô hình kinh tế tại các xã trên địa bàn huyện, chúng tôi nhận thấy có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao hơn. Đáng mừng trong xây dựng nông thôn mới là nếu như năm 2012, toàn huyện bình quân đạt 2,67 tiêu chí/xã, thì đến nay đã đạt 7,2 tiêu chí/xã.
Bài và ảnh: Tất Thành