Hướng thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh

25/08/2016 17:07

Mặc dù trong thời gian qua, các doanh nghiệp ở tỉnh chưa đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thị trường, nhưng những kẻ làm ăn bất chính đã dùng tam thất giả sâm Ngọc Linh để lừa người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín sâm Ngọc Linh. Vì vậy, việc thành lập Hiệp hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh để bảo vệ CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ trong thời gian đến là hết sức cần thiết.

Trong sản xuất, đối với những sản phẩm có tính tập thể, việc thành lập hiệp hội có vai trò quan trọng để bảo vệ quyền của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Việc Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam là cơ sở để trong thời gian đến, chúng ta tiến hành thành lập Hiệp hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh.

Củ và cây sâm Ngoc Linh. Ảnh: Đ.N

 

Theo Sở KH-CN, việc Cục SHTT ký quyết định cấp Bản chính văn bằng công nhận CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum và  Phó bản văn bằng CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ tỉnh Quảng Nam là công sức nhiều năm của những nhà khoa học, những người tâm huyết với sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, trước yêu cầu đặt ra, trong thời gian đến, chúng ta cần thành lập Hiệp hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh để vừa phát triển CDĐL, vừa bảo vệ uy tín sản phẩm sâm Ngọc Linh cho những nhà sản xuất, kinh doanh sâm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì nếu CDĐL không được quản lý và phát triển thì rất dễ bị lạm dụng và có nguy cơ bị mất cắp. Bài học này không xa lạ gì đối với nhiều sản phẩm ở Việt Nam, như cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Ma Thuột... Vì vậy, việc thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh là rất cần thiết.

Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính đặc thù địa phương, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận. Hội tập hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh trong một tổ chức với nhiều thành viên nhằm tạo thành sức mạnh liên kết, giúp các hội viên nâng cao khả năng sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh; bảo vệ các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và nâng cao uy tín sản phẩm; bảo vệ quyền độc quyền sử dụng CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ đã được bảo hộ tại Cục SHTT.

Trồng sâm trong vườn rừng tự nhiên. Ảnh: Đ.N

 

Bên cạnh đó, Hội đại diện cho các hội viên thiết kế và đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể sâm Ngọc Linh đăng ký tại nước ngoài với sự hỗ trợ của Cục SHTT theo quy định của pháp luật. Nhãn hiệu tập thể này là tài sản chung của Hội chỉ được sử dụng trên sản phẩm của các hội viên bên cạnh nhãn hiệu riêng của họ. Với vai trò của mình, Hội còn nghiên cứu thị trường, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm sâm Ngọc Linh, góp phần không ngừng mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận từ các sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Tham gia vào Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh, các nhà sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh sẽ còn có cơ hội hợp tác về nhiều mặt. Ngay cả khi hội viên có những bất đồng, Hội sẽ đóng vai trò trung gian để hòa giải các khúc mắc, mâu thuẫn giữa các hội viên.

Cũng theo Sở KH&CN, việc bảo vệ CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh và đây là việc làm mà không một hội viên độc lập nào có đủ điều kiện thực hiện tốt. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nên tích cực tham gia Hội để chung tay bảo vệ tốt thương hiệu sâm Ngọc Linh trong thời gian đến. Điều này là thực sự cần thiết vì nó đem lại lợi ích trực tiếp trước mắt và lâu dài cho các hội viên cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính sản phẩm sâm Ngọc Linh trong nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác