Hướng phát triển lâm nghiệp ở Văn Lem

13/12/2016 13:59

Việc thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng và cùng với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở xã Văn Lem, huyện Đăk Tô. Tuy nhiên, ở xã vẫn còn 1.737,5ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Diện tích này nếu tiếp tục giao cho dân trồng rừng sẽ đem lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài

Xã Văn Lem có trên 4.500ha đất tự nhiên, trong đó có gần 2.000ha rừng. Diện tích rừng ở địa phương do UBND xã, các hộ gia đình được giao đất, giao rừng quản lý gần 1.700ha và diện tích rừng còn lại do Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam và Công ty TNHH MTV Innovgreen Kon Tum quản lý.

Theo ông Lê Thành Thọ- Chủ tịch UBND xã Văn Lem, người dân được giao đất, giao rừng ở đây theo Quyết định 1264/QĐ-UBND ngày 18/11/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Phương án tổng quan giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2009-2012 và Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao đất, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp đều có bìa đỏ. Ở diện tích đất rừng được giao cho dân phần lớn đều được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Rừng được giao cho dân. Ảnh: V.N

 

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong những năm gần đây, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ rừng và kịp thời chi trả tiền dịch vụ môi trường cho dân. Ý thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng, người dân ở các làng được giao đất giao rừng làm chòi ngay tại đầu rừng để phân công nhau trực và tuần tra bảo vệ rừng.

Đến gần một tuyến đường ra vào rừng, chúng tôi thấy một số người dân đang trực chốt. A Pheo- thôn Đăk Xanh bảo: Khu rừng trước mặt Nhà nước giao cho nhiều hộ trong làng quản lý bảo vệ. Nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, bà con phải thay nhau trực bảo vệ giữ rừng. Rừng rất quý, cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện, nước sinh hoạt, chống xói mòn đất, lũ quét… Mất rừng, thiếu nước cung cấp cho các nhà máy thủy điện hoạt động, dân làng không những không có tiền dịch vụ môi trường rừng mà còn bị thiên tai gây họa. Ý thức được trách nhiệm, dân làng thay phiên nhau giữ rừng.  

Đi dọc theo tuyến đường tránh đèo Măng Rơi, chúng tôi thấy nhiều dãy đồi cây bụi. Cán bộ xã đi cùng bảo, các dãy đồi cây bụi này ngày trước là nương rẫy của dân. Người dân làm rẫy lâu ngày đất bạc màu, bây giờ không sản xuất được thành đồi hoang.

Phóng tầm mắt khắp khu đồi hoang chạy dọc dài theo tuyến giao thông, chúng tôi nghĩ nếu khu vực này giao đất cho dân và doanh nghiệp liên kết đầu tư cho dân trồng rừng thông thì sẽ cho nhiều lợi ích. Sau này thông thành rừng, doanh nghiệp và người dân vừa được hưởng dịch vụ môi trường rừng, vừa có nguồn thu từ khai thác nhựa thông. Hướng đi này sẽ giúp người dân gắn bó với rừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bàn về việc này, ông Lê Thành Thọ thừa nhận ở xã Văn Lem còn 1.737,5ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Diện tích này nếu được cấp trên giao cho dân và người dân liên kết với doanh nghiệp trồng rừng sản xuất thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra trước mắt và lâu dài. Người dân có thêm việc làm từ trồng rừng. Rừng trồng thành rừng, cả người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng và từ kinh doanh rừng trồng.

Ông Nguyễn Quang Định - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô khẳng định, trước đây khi chưa giao đất, giao rừng và chính sách dịch vụ môi trường rừng, người dân thường xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép để làm nương rẫy. Kể từ khi giao đất giao rừng cho dân và với việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, người dân ý thức bảo vệ đất rừng được giao. Từ khi giao đất giao rừng, tình trạng xâm hại rừng ở địa phương đã được hạn chế đáng kể.

Thật vậy, nếu diện tích đất lâm nghiệp ở địa phương chưa có rừng tiếp tục giao cho dân, người dân liên kết với doanh nghiệp phát triển rừng sản xuất thì quỹ đất này sẽ được khai thác, sử dụng hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu từ việc nộp thuế của doanh nghiệp.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác