Hướng đi nào cho dược liệu?

07/04/2018 19:59

Phát triển dược liệu trở thành kinh tế mũi nhọn và vùng trọng điểm dược liệu quốc gia đang là mục tiêu mà tỉnh ta hướng tới. Làm thế nào để mục tiêu ấy trở thành hiện thực đang là điều mà các cấp các ngành trong tỉnh tích cực tìm và đưa ra các giải pháp cụ thể…

Cần đánh thức tiềm năng

Kon Tum là vùng đất thuốc. Đó là thực tế, bởi theo đánh giá trong tổng số gần một 1.000 loài thực vật sử dụng làm thuốc thì Kon Tum có đến 853 loài, trong đó loài dược liệu đặc biệt quý, có giá trị kinh tế cao là sâm Ngọc Linh. Ngoài sâm Ngọc Linh, Kon Tum cũng có rất nhiều loài dược liệu khác có thể phát triển thành vùng dược liệu là đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử, nghệ, sơn tra, sa nhân…

Kon Tum có thế mạnh về rừng và đất lâm nghiệp; có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loài dược liệu tự nhiên. Phát huy tiềm năng ấy, đến nay, toàn tỉnh phát triển được trên 515 ha các loài dược liệu, chủ yếu là sâm Ngọc Linh, đương quy và đẳng sâm. Diện tích trên chủ yếu được trồng ở 3 huyện Kon Plông, Đăk Glei và Tu Mơ Rông.

So với tiềm năng, thế mạnh thì việc phát triển đó chưa tương xứng. Hiện, việc phát triển dược liệu trên địa bàn chủ yếu do nhân dân tự trồng, doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và liên kết với người dân. Ở các huyện, người dân chủ yếu trồng thuần đất sản xuất nông nghiệp, trồng xen dưới tán rừng, xen trong vườn cà phê, bời lời (như đẳng sâm, đương quy, sơn tra) hoặc trồng phân tán dưới tán rừng (như sâm Ngọc Linh, sơn tra)…Việc thu mua cũng vậy, người dân thu hoạch hàng loạt, bán tươi hoặc phơi khô, chưa qua sơ chế nên giá trị sản phẩm chưa cao. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán tự do cho tư thương nên giá cả bấp bênh, không ổn định…

Sâm Ngọc Linh đang phát triển mạnh ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: V.P

 

Từ thực tiễn đó, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu quản lý, khai thác tiềm năng và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên, trong đó chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm, phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng có điều kiện phát triển dược liệu và tăng dần tỷ trọng đóng góp của ngành dược liệu trong tổng sản phẩm của tỉnh. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng dược liệu tỉnh trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia...

Xây dựng thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm

 Để đạt được mục tiêu đó, sự vào cuộc của các cấp các ngành xác định hướng đi phù hợp là điều rất cần thiết. Đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm để cây dược liệu phát triển có yếu tố quyết định. Cùng với đó là việc quy hoạch và cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng diện tích dược liệu…

Đẳng sâm cũng được người dân ở xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) chú trọng phát triển. Ảnh: V.P

 

Mới đây, trong cuộc khảo sát thực địa và làm việc với các địa phương, doanh nghiệp tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, một số ngành, địa phương đã nêu lên những khó khăn trong phát triển dược liệu như: chưa có đơn vị sản xuất cung ứng nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo quy định đáp ứng cho công tác trồng mới; nhiều người dân muốn trồng nhưng lại gặp khó về vốn, về giống, kỹ thuật trồng dưới tán đối với sâm Ngọc Linh; chưa có quy trình gieo ươm các loại dược liệu khác và đặc biệt đầu ra cho sản phẩm các loại dược liệu còn gặp nhiều khó khăn, chưa ổn định, sản phẩm khi thu hoạch bị các thương lái thu mua ép giá…

 Minh chứng cho điều này, ông Vương Văn Mười- Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, hiện nay, toàn huyện phát triển được hơn 328 ha sâm Ngọc Linh chủ yếu do doanh nghiệp và nhân dân tự trồng. Hiện đầu ra cho sản phẩm này thì không lo, bởi nhu cầu lớn. Nhưng điều đáng ngại là do thương hiệu sâm Ngọc Linh giờ ai cũng biết nên tình trạng sâm giả trà trộn vào địa bàn (kể cả giống) khó quản lý, ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh. Còn đối với các loại dược liệu khác thì chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, đầu ra của các loại dược liệu gặp nhiều khó khăn bởi chưa có đơn vị nào đứng ra thu mua cho nhân dân nên giá trị sản xuất của sản phẩm chưa cao.

Ông Mười dẫn chứng: Chỉ riêng  với cây đương quy, hiện toàn huyện đã phát triển được hơn 33 ha chủ yếu ở xã Ngọc Lây. Và với Tu Mơ Rông thì tất cả các xã đều có thể trồng được cây đương quy nhưng đầu ra cho sản phẩm không ổn định nên người dân chưa mặn mà cho việc phát triển diện tích cây này. Còn đối với cây đẳng sâm thì cũng cần xây dựng thương hiệu chung cho sâm dây Kon Tum để thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng chế biến…

Cũng đồng quan điểm với huyện Tu Mơ Rông, các ngành chức năng đề xuất một số giải pháp về đầu tư, phát triển dược liệu như: cần đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho đẳng sâm; xây dựng quy trình chuẩn về giống, trồng và chăm sóc các loại dược liệu nhằm thực hiện đảm bảo đạt chất lượng; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp tham gia phát triển dược liệu; xây dựng và quảng bá thương hiệu đối với các sản phẩm dược liệu chủ lực của tỉnh, nhất là đẳng sâm…

Ngoài ra, các huyện cũng đề xuất với tỉnh cần ban hành đề án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để phát triển kinh tế cho người dân; xem xét tăng nguồn vốn thuộc các chương trình giảm nghèo, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trồng dược liệu đúng với quy hoạch, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt là đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư liên kết với người dân trong sản xuất, phát triển dược liệu, gắn với bảo quản, chế biến và bao tiêu sản phẩm làm ra, tạo mối liên kết chặt chẽ từ việc phát triển diện tích đến việc đầu ra cho sản phẩm…

Làm được như vậy, không những thương hiệu từ sản phẩm dược liệu của Kon Tum sẽ ngày càng vang xa, mà từ đó giúp Kon Tum trở thành vùng dược liệu nổi tiếng của cả nước, góp phần tích cực trong công cuộc xóa nghèo trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển…

Văn Phương

Chuyên mục khác