26/10/2023 13:09
Những năm qua, trên địa bàn huyện Đăk Hà, người dân từng bước nâng cao nhận thức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện đảm bảo quy trình canh tác từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm; tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng.
|
Cùng với khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả và nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, các cấp chính quyền và ngành chức năng của Đăk Hà tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến tiêu thụ nông sản địa phương.
Phiên chợ nông nghiệp sạch được chính quyền huyện Đăk Hà chỉ đạo tổ chức từ 1-2 lần/năm được đánh giá là “sân chơi” thiết thực để người nông dân, các hợp tác xã (HTX) giới thiệu, quảng bá những sản phẩm do mình làm ra; từ rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, trái cây sấy, cà phê, thảo dược, các loại cây giống, hoa, cây cảnh, sản phẩm dệt thổ cẩm, rượu ghè, đồ thủ công mỹ nghệ trang trí, gia dụng. Qua việc tham gia phiên chợ, người sản xuất còn có thêm cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm và gặp gỡ, lắng nghe ý kiến từ người tiêu dùng.
Tại Phiên chợ nông nghiệp sạch năm 2023 diễn ra trung tuần tháng 10, các hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX của xã Ngọk Wang đã chào bán được một lượng lớn trái cây.
|
Ông Hoàng Văn Đạt- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang chia sẻ: Những năm gần đây, sản lượng trái cây do bà con trong xã Ngọc Wang sản xuất ra lớn, phong phú về chủng loại; vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn có cơ hội quảng bá, đưa sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng và Phiên chợ nông nghiệp sạch do huyện Đăk Hà tổ chức thường niên là một trong những cơ hội như thế. Thời điểm này nhiều loại trái cây đang vào vụ thu hoạch như cam, quýt, mãng cầu… nên người dân rất háo hức đưa các mặt hàng ra bán, một phần để thúc đẩy tiêu thụ, một phần là tìm kiếm đối tác lâu dài.
Ông Nguyễn Minh Vương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP, UBND huyện Đăk Hà rất quan tâm đến việc tạo điều kiện để người sản xuất có cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm. Phiên chợ nông nghiệp sạch không chỉ là hoạt động mua, bán mà còn là kênh “kết nối lòng tin” giữa sản xuất và tiêu dùng; tạo động lực cho các đơn vị, HTX mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất các sản phẩm an toàn.
Không chỉ Đăk Hà, thời gian qua, huyện Kon Plông cũng tổ chức thành công nhiều chợ phiên gắn với các hoạt động giao lưu văn hóa tại các xã trên địa bàn, gần đây nhất là chợ phiên Măng Đen (ngày 7/10). Qua phiên chợ này, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất trên địa bàn được giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thúc đẩy tiêu thụ. Từ đó, khuyến khích và tạo động lực để các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, phiên chợ cũng là một trong những hoạt động góp phần thu hút khách du lịch đến địa phương, kích cầu tiêu dùng, đưa hoạt động thương mại ngày càng phát triển.
Huyện Đăk Glei được thiên nhiên ưu đãi có lợi thế phát triển nhiều loại dược liệu quý hiếm, giá trị kinh tế cao, như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, đương quy, sa nhân, ba kích, kim tuyến, sơn tra cùng với nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm đặc trưng như cà phê, mắc ca, măng le, mật ong. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi gia súc trên địa huyện Đăk Glei tương đối phát triển.
Vì thế, để tạo điều kiện cho người dân, các cơ sở sản xuất chào bán, trao đổi các sản phẩm hàng hóa do mình làm ra và gặp gỡ, kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và ngoài địa bàn, huyện Đăk Glei đã chủ động tổ chức chợ phiên dược liệu- gia súc biên giới.
Mỗi địa phương một cách làm phù hợp, dựa trên những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương mình mà tổ chức quảng bá, kích cầu tiêu dùng và tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ, và những phiên chợ nông sản thực sự có ý nghĩa thiết thực với người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đây chính là kênh xúc tiến thương mại quan trọng, cầu nối để người nông dân, các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tại từng huyện nói riêng và trong tỉnh nói chung được trực tiếp bày bán, quảng bá sản phẩm hàng hóa của mình. Từ đó, mở ra cơ hội kết nối, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thêm thông tin, niềm tin về sản phẩm nông nghiệp an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm OCOP.
Việc tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các phiên chợ, góp phần khơi thông đầu ra cho nông sản của các địa phương, tạo động lực để người dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của các địa phương phát triển.
Thiên Hương