Hợp tác xã và nông dân

24/10/2023 06:09

Hợp tác xã phải là mô hình kinh tế của nông dân; là điểm tựa, là điểm hội tụ để từ đó tạo lập nên sức mạnh cộng hưởng từ hàng chục nghìn hộ nông dân, làm nên niềm tin và là niềm tự hào của họ.

Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), luôn nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước.

Kể từ khi Luật HTX đầu tiên được Quốc hội thông qua cuối năm 1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1997 đến Luật HTX 2003 và Luật HTX  năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho HTX phát triển. Tiếp đó, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật HTX số 17/2023/QH15 thay thế Luật HTX số 23/2012/QH13.

Cũng trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến nay, đã có thêm nhiều nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tiếp tục khẳng định phát triển KTTT, trong đó chủ lực là HTX, là xu thế tất yếu, khách quan.

Gần đây nhất, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Thực hiện Luật HTX, các nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo của Trung ương, hàng năm, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển KTTT, HTX; Kế hoạch triển khai Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 13/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ và Chương trình số 41-CTr/TU ngày 7/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Hiện toàn tỉnh có 261 HTX, đạt 104,4% so với kế hoạch, thu hút 10.422 thành viên, trong đó có 1.500 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Ảnh: TH

 

Theo UBND tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Các HTX thể hiện tốt vai trò hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất và sau thu hoạch, giúp hộ thành viên giảm chi phí, tăng thu nhập. 

Đặc biệt nhất là các HTX đã thể hiện được vai trò trong tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, thu hút  bà con nông dân ngoài HTX tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết giá trị.

Từ đó góp phần thúc đẩy thay đổi tư duy sản xuất cũ, hướng tới sản xuất quy mô lớn, áp dụng cơ giới và công nghệ, nhằm tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường..

Mô hình liên kết với nông dân của HTX Công Bằng Pô Cô là một trong những mô hình tiêu biểu về mối liên kết này. Hiện HTX liên kết với các hộ dân sản xuất 220ha cà phê, sản lượng hàng năm 900 tấn/năm.

Hình thức liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến thu hoạch; giá sản phẩm được HTX cam kết mua cao hơn so với mức giá sàn. Toàn bộ diện tích được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGap, được áp dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, cũng theo UBND tỉnh, thiếu vốn và nguồn lực để khởi đầu và duy trì hoạt động đang là hai trong những khó khăn chính trong hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Điều này cũng góp phần lý giải vì sao có tới 97,8% HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô thành viên siêu nhỏ (dưới 50 thành viên);  51,8% HTX có quy mô vốn siêu nhỏ (có mức vốn dưới 1 tỷ đồng).

Định kiến về sự lạc hậu của HTX và khó khăn trong việc thay đổi tư duy cũng là những rào cản cần vượt qua. Về mặt lý thuyết, HTX mang lại lợi ích to lớn nhưng một bộ phận không nhỏ nông dân lớn tuổi vẫn còn giữ cái nhìn định kiến với HTX thời bao cấp, trong khi lớp nông dân trẻ tuổi lại chưa mặn mà với HTX.

Hợp tác xã cần phát huy vai trò điểm tựa của nông dân. Ảnh: TH                   

 

Nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất là thu hút được đông đảo nông dân tham gia HTX. Muốn vậy, trước hết HTX phải là mô hình kinh tế của nông dân, phục vụ nông dân. Là điểm tựa, là điểm hội tụ để tạo nên sức mạnh cộng hưởng từ nhiều hộ nông dân, giúp họ có thêm niềm tin và tự hào.

Cần làm cho nông dân hiểu rằng, nếu sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, sẽ không khắc phục được những khó khăn về vốn, về tư liệu sản xuất đất, về thị trường; hiệu quả kinh tế mang lại thấp. HTX sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để khắc phục những hạn chế trên, phát triển kinh tế hộ.

Về phía các HTX, cần có tư duy đổi mới, năng động để thực hiện tốt các chính sách tiếp sức của Trung ương và địa phương; tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, từ đó tăng cường sự cạnh tranh và tạo việc làm.

Mở rộng hợp tác, liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, nông dân để tăng cường sức mạnh cạnh tranh, hình thành các mạng lưới liên kết, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Mạnh dạn đầu tư thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là khai thác hiệu quả thương mại điện tử. Tăng cường quảng bá và tiếp cận thị trường, hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, tiếp cận các kênh phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước.

Động lực mới cho HTX là tại Kế hoạch số 2950/KH-UBND ngày 7/9/2023 về phát triển KTTT, HTX năm 2024, UBND tỉnh xác định sẽ tăng cường hỗ trợ HTX đổi mới về hình ảnh và hiệu quả hoạt động, thông qua tạo điều kiện thuận lợi hơn cho HTX tiếp cận vốn ưu đãi; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành có trình độ, năng lực quản lý.

Đồng thời phát triển KTTT, HTX năng động, hiệu quả, đẩy mạnh liên kết phù hợp với từng vùng, lĩnh vực; tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Thành Hưng

Chuyên mục khác