Hợp tác xã phát triển nông nghiệp hữu cơ thân thiện môi trường

04/07/2020 06:22

Nắm bắt thị trường, xu hướng phát triển và tận dụng những lợi thế về khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ, sản xuất hữu cơ cho ra sản phẩm sạch, đồng thời liên kết phát triển vùng nguyên liệu đi sâu vào chế biến sản phẩm… Đó là xu hướng đang được các hợp tác xã chú trọng phát triển nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Ứng dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm sạch

Mặc dù mới thành lập tháng 6/2018 với 7 thành viên, thế nhưng đến nay, sản phẩm rau hoa của Hợp tác xã (HTX) Rau hoa và du lịch Thanh niên (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) đã đi vào các siêu thị lớn như siêu thị Big C ở Sài Gòn. Điều đáng mừng là dù “sinh sau, đẻ muộn” nhưng với sự năng động của các thành viên, cũng như chất lượng đảm bảo, sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, HTX đang sản xuất theo mô hình hữu cơ trên diện tích 10 ha với 15 loại rau các loại như xà lách, cải bó xôi, cải thìa, cải ngồng, rau rền, cà rốt... phục vụ nhu cầu rau sạch của người dân. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ, được trồng trong nhà màng với hệ thống tưới tiêu tự động, không dùng hóa chất, phun thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo nguồn rau ra cung ứng cho thị trường sạch 100%.

Chị Trần Thị Dung - quản lý HTX cho biết: Để sản xuất rau đảm bảo sạch, ngay từ khâu làm đất chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, phân tích rất kỹ đến khi đủ tiêu chuẩn mới tiến hành trồng. Nguồn phân bón sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ. Trong quá trình sản xuất khi có sâu bệnh cũng tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chúng tôi sử dụng các loại vi sinh vật đối kháng để tự tiêu diệt sâu bệnh. Chính vì vậy, sản phẩm rau của HTX luôn được khách hàng tin dùng.

Với 10 nhà màng sản xuất rau, mỗi tháng HTX Rau hoa và du lịch Thanh niên cho ra sản phẩm hơn 6,5 tấn rau. Tuy nhiên, với số lượng sản phẩm của HTX đến nay cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu so với đơn đặt hàng. Dự kiến thời gian tới, HTX sẽ tăng cường sản xuất, mở rộng thêm diện tích hơn 2,5 sào tại khu 37 hộ trên địa bàn thị trấn Măng Đen để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Theo chị Dung, kể cả khi mở rộng thêm diện tích thì cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của khách hàng.

Sản xuất rau sạch của HTX Rau hoa và du lịch Thanh niên. Ảnh: VP

 

“Hiện nay, ngoài việc tập trung sản xuất rau sạch, HTX còn chú trọng đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại chỗ và mong muốn liên kết phát triển thêm diện tích. Chúng tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật, trồng, chăm sóc và bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm giúp bà con có thu nhập ổn định, vươn lên ổn định cuộc sống” - chị Dung chia sẻ. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lâm Cảnh - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho hay: Ngày HTX quốc tế năm nay có chủ đề “HTX hành động vì biển đổi khí hậu”, thì trong đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển ứng dụng công nghệ cao như mô hình của HTX Rau hoa và thương mại du lịch Thanh niên đang làm cũng là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn đang được người tiêu dùng quan tâm, vì vậy, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thân thiện mới môi trường đang được doanh nghiệp và HTX chú trọng đầu tư và phát triển.

Liên kết phát triển dược liệu và đi sâu chế biến

Tương tự, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) lại chọn hướng đi, liên kết với người dân trên địa bàn xã phát triển các loại cây dược liệu, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm từ dược liệu. Lý do khiến HTX này đi theo con đường phát triển dược liệu, theo anh Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc HTX, bởi địa bàn huyện Kon Plông có khí hậu, thời tiết khá thuận lợi cho sự phát triển các loại cây dược liệu. Hơn nữa, đây cũng là loại cây trồng đang được tỉnh Kon Tum khuyến khích đẩy mạnh phát triển.

Mặc dù HTX mới chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm nhưng đến nay, HTX  Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen đã liên kết với gần 90 hộ dân trên địa bàn xã Măng Cành phát triển được hơn 40 ha cây dược liệu sâm dây (hồng đẳng sâm) và đương quy; hơn 200 ha quế cùng hơn 4 ha măng tây. Những hộ liên kết, HTX cung cấp nguồn giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc các loại dược liệu và tất cả đều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất. Toàn bộ sản phẩm làm ra, HTX bao tiêu, thu mua và tiến hành chế biến ra các sản phẩm.

Máy chế biến trà túi lọc của HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen. Ảnh: V.P  

 

Đến nay, HTX đã đầu tư gần 4 tỷ đồng mua máy móc để chế biến sản phẩm từ dược liệu. Hiện, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen đã tiến hành chế biến ra 4 loại sản phẩm gồm: tinh dầu tiêu rừng, cao sâm, rượu sâm dây, trà túi lọc (chế biến từ sâm dây và đương quy). Các sản phẩm của HTX đã được bán tại các thị trường trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Thuận...

Ông Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, chúng tôi không lo đầu ra mà lo nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, chúng tôi đang tích cực liên kết với người dân để vừa phát triển vùng nguyên liệu vừa giúp người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời hướng tới xây dựng chuỗi giá trị phát triển bền vững.

“Qua nghiên cứu, tại Kon Plông thời tiết, khí hậu rất phù hợp cho phát triển các loại dược liệu. Bởi qua kiểm tra, hàm lượng saponin của sâm dây tại đây luôn cao hơn so với các loại sâm của một số nước. Vì vậy, chúng tôi muốn mở rộng nhà máy dây chuyền chế biến sâu nhưng hiện chưa được cấp đất, do đó, mong các ngành, các cấp quan tâm cho thuê đất lâu dài và ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi để HTX đầu tư nhà máy một cách bài bản và xây dựng thương hiệu sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.”- ông Tiến đề nghị.

Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và chế biến các loại sản phẩm... để khuyến khích các HTX phát triển, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác