13/03/2024 16:52
|
Theo báo cáo trình bày tại cuộc họp, từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Chỉ đạo thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai nghiêm túc, hiệu quả và kịp thời các văn bản của các cấp liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.
Trước, trong và sau dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024, các đơn vị, địa phương tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Từ ngày 20/12/2023-29/2/2024, các đơn vị, địa phương tổ chức 1.046 đợt tuần tra, truy quét với 6.309 lượt người tham gia; phát hiện 11 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với khối lượng gỗ vi phạm 35,138m3, diện tích rừng bị thiệt hại 1,12ha; so với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm tăng 4 vụ, khối lượng gỗ vi phạm tăng 29,179m3 và diện tích rừng bị thiệt hại tăng 0,858ha.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng có liên quan cũng đã tiếp tục điều tra, xác minh xử lý 16 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp từ năm 2023 chuyển sang. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã xử lý 12 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Nhằm chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, các đơn vị, địa phương tiến hành xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, xác định các khu vực trọng điểm cháy, phân công lực lượng trực 24/24 giờ, thông báo cấp dự báo cháy rừng, tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra khu vực rừng trồng, sẵn sàng thực hiện phương châm 4 tại chỗ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy tại huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum, các vụ cháy được các lực lượng phát hiện và dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.
Năm 2024, UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới 3.000ha rừng, 500ha cây sâm Ngọc Linh, 1.560ha cây dược liệu khác và 598.800 cây phân tán cho các đơn vị, địa phương. Đến thời điểm này, các đơn vị, địa phương đã triển khai việc rà soát đất đai, lập dự án, chuẩn bị nguồn giống và vận động người dân tham gia đăng ký trồng rừng, cây dược liệu và cây phân tán.
Theo thống kê ngành chức năng, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khoán bảo vệ 135.323,9ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh gần 2.000ha rừng và khai thác gần 11.000m3 gỗ rừng trồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham gia thảo luận, nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
|
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị, trong thời gian tới, dựa trên các kết quả đã đạt được, các đơn vị và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng; tập trung và sẵn sàng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai công tác trồng rừng, cây dược liệu và cây phân tán.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tham mưu tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai; kịp thời báo cáo các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.
Đức Thành