Hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng

05/05/2017 14:33

Ngày 5/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á/Việt Nam (Trung tâm CIRUM) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Dự hội thảo có hơn 50 đại biểu đại diện các sở, ngành liên quan, cộng đồng dân cư và các chủ rừng; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm 5 tỉnh Tây Nguyên, các chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua vào cuối năm 2017.

Đến thời điểm đầu tháng 3/2017, dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã hoàn thành dự thảo 5, Chính phủ đã trình Quốc hội thẩm tra và thảo luận vào kỳ họp thứ 3, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2017 và dự kiến thông qua vào tháng 10/2017. Do vậy, việc tổ chức hội thảo lần này nhằm lấy ý kiến đóng góp bổ sung của các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý chuyên ngành lâm nghiệp, các chủ rừng và các bên liên quan cho dự thảo Luật.

Tại hội thảo, các đại biểu chia thành 3 nhóm tiến hành thảo luận. Nhiều  ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật liên quan đến các nhóm vấn đề như: chức năng của lực lượng nòng cốt trong thực thi pháp luật và trong quản lý, bảo vệ rừng; vấn đề giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, đặc biệt là đối với hộ và cộng đồng dân cư; vấn đề công khai, minh bạch và động viên sự tham gia của người dân vào giám sát trong quá trình thực hiện các chính sách trong quản lý rừng; chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng…

Các đại biểu tin tưởng, với tính sát thực, phù hợp khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng, góp phần gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng…

Tin, ảnh: Phúc Nguyên

Chuyên mục khác