24/07/2020 14:39
|
Tham gia Hội thảo có đại diện Vụ Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, Viện Điều tra quy hoạch rừng, các trung tâm, viện nghiên cứu, đại diện các khu bảo tồn, vườn quốc gia trong khu vực Tây Nguyên; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Kon Plông.
Theo đánh giá của Tổ chức FFI và GreenViet, huyện Kon Plông có độ che phủ rừng khoảng 80%, được xếp vào nhóm khu vực có độ che phủ rừng tự nhiên cao nhất trong cả nước. Từ năm 2016 đến nay, qua các cuộc điều tra chuyên sâu cho thấy, rừng Kon Plông có giá trị đa dạng sinh học vô cùng lớn với nhiều loài động vật quý hiếm như chà vá chân xám (nằm trong danh mục Sách đỏ Thế giới), vượn đen má vàng Trung bộ, cầy vằn, cu li nhỏ, gấu ngựa, rái… Bên cạnh đó còn có nhiều loài chim đặc hữu của Việt Nam và khu vực như khướu Kon Ka Kinh, khướu Ngọc Linh… Tuy nhiên, môi trường sống của các loài động vật hoang dã đang ngày càng bị xâm hại do tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép diễn ra tràn lan, đe dọa đến việc bảo tồn và đa dạng sinh học ở khu vực rừng Kon Plông. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa đảm bảo sinh kế bền vững, ổn định đời sống cho người dân xung quanh khu vực rừng.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn để các chuyên gia, các ngành, tổ chức và huyện Kon Plông cùng nhau thảo luận, chia sẻ về định hướng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện, việc bảo tồn đa dạng sinh học; tham vấn các ý kiến nhằm hướng tới việc xây dựng kế hoạch thành lập và quản lý khu bảo tồn gắn với phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sinh sống liền kề khu vực rừng Kon Plông.
Thùy Hương