“Hồi sinh” Hợp tác xã Ngọc Linh

30/07/2022 06:06

Tưởng chừng Hợp tác xã Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) phải giải thể; thế nhưng, khi đứng trước bờ vực, Hợp tác xã đã hồi sinh mạnh mẽ, mở ra hy vọng mới cho các thành viên nói riêng và người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh nói chung.

Mới thành lập đã… suýt giải thể

Được thành lập từ năm 2019, Hợp tác xã Ngọc Linh ra đời với mong muốn tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên từ việc trồng và bán sâm dây. 12 thành viên là người DTTS, mỗi người thống nhất góp 10 triệu đồng để làm vốn triển khai hoạt động.

Với người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh, việc thành lập hợp tác xã thật sự có ý nghĩa, với nhiều kỳ vọng thoát nghèo. Niềm vui được nhen nhóm, khi những ngày đầu thành lập, có một công ty đến đặt vấn đề, nhận thu mua khoảng 5 tấn sâm dây/năm.

Yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, các thành viên đi thu gom, mua sâm dây từ người dân trên địa bàn để bán lại cho công ty. Thế nhưng, khi có đủ số lượng theo yêu cầu, công ty lại không thu mua như lời hứa ban đầu. Sâm dây mua về không có nguồn tiêu thụ, các thành viên trong hợp tác xã ngao ngán vì lỗ nặng.

Chắt bóp mãi mới có tiền để góp vốn, bước đầu tiên đã lỗ, khiến các thành viên hụt hẫng. “Cú sốc” khiến các thành viên “chết vốn” và “chết” cả quyết tâm. Vẫn là hợp tác xã, tuy nhiên, chỉ còn là tên gọi. Anh A Hơ - Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã nhớ lại: Sau đó, Hợp tác xã không hoạt động. Anh em cũng nản nên hợp tác xã có nguy cơ giải thể.

Năm 2021, có cơ duyên với Ngọc Linh, anh Trương Tấn Đạt – Giám đốc Công ty TNHH Vinnate (ở xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) được giới thiệu tham gia vào hợp tác xã. Với mong muốn phát huy giá trị của sâm dây, anh Đạt cùng với các thành viên gây dựng lại từ đầu.

Hồi sinh

Bắt tay làm lại, hợp tác xã chuyển sang giai đoạn mới. Công tác nhân sự được kiện toàn. Trước đây, anh A Hơ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc hợp tác xã, bây giờ, anh chỉ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn anh A Thông làm giám đốc hợp tác xã. Số thành viên chỉ còn 7, nhưng đều quyết tâm và nhiệt huyết.

Hiểu được cốt lõi vấn đề, anh Đạt bắt tay vào việc thay đổi nhận thức trong canh tác, trồng trọt để xây dựng vùng nguyên liệu. Trước khi xuống giống trồng sâm dây, anh phân tích với các thành viên hợp tác xã về ý nghĩa của việc xét nghiệm đất. Nghe anh Đạt nói có lý, hợp tác xã làm thủ tục, gửi mẫu đi xét nghiệm.

 

Người dân sử dụng máy móc trong quá trình làm đất. Ảnh: H.T

 

Ngày mang chiếc máy xới đất từ huyện vào, anh Đạt vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bởi đất, đá, sỏi lổm nhổm. Phải động viên lắm, mọi người mới hì hục đưa được máy lên đám đất đồi. Đất đá, triền dốc, phải mất 3 người cùng giữ để máy hoạt động. Ì ạch, ì ạch, nhiều lúc như bất lực. Nhưng rồi, ai nấy đều cười tươi vì so với việc cuốc tay phải mất 25 công, bây giờ sử dụng máy chỉ mất 1,5 ngày. 

Làm đất xong, từ kết quả xét nghiệm đất, anh Đạt hướng dẫn người dân bón vôi. Cũng ngờ ngợ, lạ lẫm, nhưng, nghĩ lại hiệu quả từ việc thay đổi dùng máy so với dùng cuốc, các thành viên lại tin tưởng thực hiện. Từng bao vôi được cõng từ xã lên đến đỉnh đồi. Khó nhọc khó kể hết.

Và sử dụng vôi trong quá trình cải tạo đất. Ảnh: HT

 

Những hy vọng mới

Quá trưa, trời nắng như đổ lửa, trên triền đồi dốc thoai thoải, các thành viên hợp tác xã vẫn miệt mài trồng sâm dây. Trên vùng đất cằn cỗi, toàn đá sỏi, đến nay, Hợp tác xã đã trồng được 2ha sâm dây và đang phấn đấu đến cuối năm sẽ trồng được 4ha.

Giới thiệu vườn sâm dây mới xuống giống được nửa tháng đã bật mầm khoảng 1cm, chị Y Long, thành viên hợp tác xã phấn khởi nói: Chưa bao giờ, sâm dây phát triển nhanh, đều, đẹp như thế này. Rõ ràng là khi áp dụng cách làm mới, hiệu quả hơn hẳn  so với trước đây.

Không như thói quen của người dân, trồng sâm dây khoảng 9-12 tháng đã thu hoạch, hợp tác xã hướng đến từ 16-20 tháng. “Thực ra, nếu sâm dây để đến 2 năm sẽ đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, phải thay đổi từ từ. Để khi có kết quả, người dân so sánh, nhận thấy được, khi sản phẩm chất lượng, sẽ tạo ra được giá trị cao hơn so với các loại củ nhỏ. Từ đó dần dần thay đổi thêm” – anh Đạt nói.

Cũng theo anh Đạt, hiện Công ty TNHH Vinnate đang cần nguồn cung ứng sâm dây sạch, đảm bảo chất lượng. Do đó, khi hợp tác xã có sản phẩm, phía công ty sẽ thu mua. “Tất nhiên, nếu hợp tác xã mở rộng được mạng lưới tiêu thụ thì cũng rất tốt” – anh Đạt nói.

Một lần nữa, các thành viên trong hợp tác xã lại hy vọng. Và, họ cũng tự tin rằng, với vùng đất sạch (từ trước đến nay người dân chưa dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu...), chỉ cần làm bài bản, tạo ra sản phẩm chất lượng, “hữu xạ tự nhiên hương”, rồi sản phẩm tốt sẽ giúp người dân có thu nhập cao.

Ông A Bú- Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh phấn khởi nói rằng, lần đầu tiên ở Ngọc Linh, người dân biết cách cải tạo đất trước khi trồng. Và cũng lần đầu tiên ở Ngọc Linh, người dân biết sử dụng cây chuối để ủ, làm phân bón cho đất.

Cách làm của hợp tác xã rất mới và hiệu quả. Trước hết, đã thay đổi rất nhiều về nhận thức của người dân trong sản xuất. Từ thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi cách làm theo hướng bài bản chứ không chỉ trồng xuống rồi bỏ mặc cho trời như trước đây. Thấy cách hợp tác xã làm, nhiều người dân cũng đã học hỏi rồi dần dần áp dụng- ông A Bú đánh giá.

Còn bà Y Thanh – Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cũng phấn khởi nói rằng: Huyện rất ủng hộ và mong Đạt cùng người dân phát triển các sản phẩm chủ lực. Huyện sẽ kết nối, tạo điều kiện trong việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác