27/02/2019 13:02
Anh Nông Hồng Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Rve cho biết, hiện tại, trên địa bàn thị trấn có 400 hội viên sinh hoạt ở 9 chi hội và 25 tổ hội, trong đó 152 hội viên là người DTTS. Công tác thu hút hội viên tham gia hoạt động tích cực ở khu dân cư, tập trung chủ yếu thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm hộ nghèo và làm giàu chính đáng. Ban chấp hành hội thị trấn luôn xem đây là giải pháp thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu khác.
Cụ thể, 2 năm gần nhất (2017 và 2018), Hội đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn ở huyện Kon Rẫy, các đơn vị nhà nước cung ứng phân bón, cây giống, con giống trực tiếp tổ chức tư vấn, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hơn 320 lượt hội viên; 65 hội viên là lao động nông thôn được tạo điều kiện học nghề mới để áp dụng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đồng thời, đơn vị còn đứng ra tín chấp cho khoảng 50 hộ nông dân mua phân bón trả chậm gần 110 tấn, tổng trị giá 540 triệu đồng. Đến nay, 85% số hộ mua phân bón trả chậm đã thu hoạch nông sản, hoàn trả nợ.
|
Trong phong trào giúp nhau làm kinh tế ở cơ sở, các chi hội cũng đã tổ chức cho hội viên đổi công phát triển sản xuất 3.530 ngày công, bao gồm năm 2017 đổi được 1.577 ngày công và 2018 là 1.953 ngày công lao động. Riêng 2 năm qua, nông dân toàn thị trấn còn giúp hội viên thuộc hộ nghèo và hộ ĐBKK được 210 ngày công lao động; có 30 hội viên thiếu vốn sản xuất được các chi hội cho vay không tính lãi khoảng 72 triệu đồng, từ nguồn quỹ tiết kiệm của chi hội và giới thiệu 32 nông dân vay vốn thuộc chương trình quốc gia giải quyết việc làm.
Đặc biệt, qua mô hình “Tạo vốn chăn nuôi”, các hội viên khá giả tự nguyện góp 200 triệu đồng để hỗ trợ cho 87 lượt hội viên khó khăn, nghèo mua 4 con bò, 260 con heo, 820 con gà và vịt.
Ngoài ra, Hội Nông dân thị trấn đã đứng ra tín chấp cho 39 hội viên vay mới hơn 406 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nâng tổng dư nợ của Hội đến cuối năm 2018 lên 14,4 tỷ đồng. Anh Sơn đánh giá, nhờ những nguồn vốn vay trên, gần như 100% nông dân ở địa phương đã có cơ hội đầu tư cho kinh tế gia đình.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hội viên, nông dân còn có sự liên kết, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm làm kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu như Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 5 Trần Hùng Hưng đi đầu chuyển đổi đất trồng cây lúa, cây mì cho thu nhập thấp sang trồng cà phê, cao su cho phát triển kinh tế cao hơn. Từ kinh nghiệm có được, anh sẵn sàng hướng dẫn và làm mẫu về cắt tỉa cành lá, xuống phân bón vườn cà cho hội viên ở khu dân cư học tập, làm theo.
Hay gương sáng hội viên Cao Văn Hạnh ở thôn 3, ông đã phát triển vườn cà phê gia đình lên 5 ha. 5 năm gần đây, ông nhiệt tình vận động 4 hội viên DTTS thôi trồng cây mì cho năng suất kém, để cải tạo lại 5,3ha đất bạc màu. Sau đó, ông tiếp tục giới thiệu địa chỉ tin cậy cho các hộ mua giống cà phê trồng mới 3,2ha; phần diện tích còn lại, các hộ chuyển sang trồng chanh dây, rau quả cho thu nhập ổn định hơn.
Theo ông Sơn, những kết quả tích cực trên đã tạo niềm tin, động lực thúc đẩy hội viên gắn bó với các phong trào, cũng như tham gia triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.
Mai Trâm