Hội nghị về phối hợp xây dựng nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum

10/11/2023 13:10

Sáng 10/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao giữa Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành, địa phương của tỉnh Kon Tum.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TH

 

Tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin khái quát về tình hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có khoảng 16.878 cây trồng có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tuy nhiên, công nghệ ứng dụng trong trồng trọt chỉ ở mức độ vừa phải. Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất đối với các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả chủ yếu là công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, sử dụng máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; sử dụng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; đối với cây rau, củ, quả, hoa chủ yếu là sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, sản xuất trong nhà màng, nhà kính; công nghệ tự động hoá trong trồng, chăm sóc; công nghệ thông minh IOT trong sản xuất... Số lượng các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng: VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate ... ngày càng nâng lên.

Trong chăn nuôi, hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 142 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, xây dựng được 34 chuỗi liên kết giá trị. Nuôi trồng thủy sản chủ yếu sử dụng công nghệ giống mới, chế phẩm sinh học, máy quạt nước... tạo năng suất cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành 1 khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại và công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà.

Đoàn công tác của Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo, chuyển giao, thương mại hóa và nhân rộng kết quả nghiên cứu của Thành phố Hồ Chí Minh; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Các huyện, thành phố của tỉnh đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của địa phương và bày tỏ mong muốn học hỏi, hợp tác với Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai, ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, giới thiệu về các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ và thiết bị sơ chế, chế biến các sản phẩm từ dược liệu, nông sản tham gia sự kiện “Festival sâm Ngọc Linh” và sự kiện “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây nguyên lần thứ I sẽ diễn ra từ ngày 29/11-1/12/2023 để Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tham quan, tìm hiểu, kết nối hợp tác.

Hội nghị là cơ sở giúp hai bên tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu, định hướng và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Từ đó, triển khai chương trình hợp tác, xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển. Đồng thời, góp phần từng bước hiện thực hóa Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.

Thùy Hương

Chuyên mục khác