Hoạt động xuất khẩu: ​Dấu ấn hàng hoá nông sản

02/01/2018 07:03

​Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của tỉnh ta nói chung và các mặt hàng thuộc nhóm hàng nông sản nói riêng đã gặt hái được những kết quả đáng kể. Với nỗ lực mở cửa và giữ vững thị trường của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng đã tạo ra “dấu ấn” trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, nhất là trong năm 2017 này.

Ông Võ Xuân Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, xuất khẩu hàng hoá nông sản là lĩnh vực chủ đạo trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh ta. Tuy nhiên, cũng như mấy năm qua, năm 2017 này, giá cả nhiều loại vật tư tăng cao, trong khi giá một số mặt hàng nông sản luôn tăng giảm thất thường; hàng hoá cạnh tranh trên thị trường ngày càng gắt gao..., điều này đã gây ra những khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhất là xuất khẩu. Song bằng nhiều nỗ lực, giải pháp thiết thực của tỉnh, ngành Công thương và các doanh nghiệp; kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh nói chung và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nói riêng luôn giữ được đà tăng trưởng cao.

Theo thống kê, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 82,5 triệu USD, năm 2016 đã tăng lên 114,4 triệu USD và năm 2017 ước đạt 135 triệu USD. Năm 2017 được coi là năm đánh dấu bước đột phá về xuất khẩu hàng hoá, vượt khoảng 18% so với năm 2016 và vượt 68,75% so với kế hoạch đề ra; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng hoá nông sản chiếm tỷ trọng chủ yếu ,với trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tinh bột mì là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ảnh: T.H

 

Các loại hàng hoá nông sản xuất khẩu chủ yếu của tỉnh ta là cao su thô, cà phê nhân, tinh bột sắn... Cụ thể, năm 2017, sản lượng xuất khẩu cao su thô ước đạt 72.970 tấn, tương đương giá trị thu về 19,89 triệu USD; cà phê nhân xuất khẩu khoảng 1.200 tấn, tương đương 2,92 triệu USD; tinh bột sắn xuất khẩu trên 2.600 tấn, tương đương 6,48 triệu USD. Ngoài ra, trong danh mục xuất khẩu của nhóm hàng nông sản còn có một số mặt hàng mới như rau củ, cá nước ngọt... Mặc dù lượng hàng xuất khẩu không nhiều, nhưng bước đầu đã cho thấy sự đa dạng về các ngành hàng, sự năng động của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm những hướng đi mới để đưa hàng hoá của tỉnh ra thị trường thế giới.

Nuôi cá gáy xuất khẩu tại cơ sở Tá Tiến. Ảnh: V.N

 

Theo ông Võ Xuân Sơn, để có được kết quả này, phải khẳng định rằng thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp kích cầu kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; hỗ trợ thị trường cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Công tác xúc tiến thương mại cũng được ngành Công thương chú trọng; nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương được chú trọng quảng bá rộng rãi. Ngoài ra, ngành Công thương còn thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Qua đó, góp phần giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi.

Yếu tố cốt yếu phải kể đến chính là bản thân các doanh nghiệp đã rất nhạy bén, chủ động khắc phục những khó khăn, mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện cơ sở sản xuất để từng bước nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường mới đưa hàng hoá nông nghiệp của tỉnh ta tiếp cận các thị trường này. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã ký kết được một số hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn, cao su thô... sang các thị trường mới.

Cụ thể, mặt hàng sắn lát khô, tinh bột sắn, trước năm 2013, 100% lượng hàng đều xuất sang thị trường Trung Quốc; nhưng từ năm 2014 đến nay đã mở rộng thêm ra thị trường Hàn Quốc. Tượng tự mặt hàng cao su thô cũng không còn lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, mà hiện nay đã mở rộng thêm một số thị trường mới như Hàn Quốc, Ấn Độ, Sigapore. Mặt hàng cà phê nhân cũng vậy, hiện nay, ngoài thị trường Trung Quốc đã có thêm một số thị trường mới như Châu Âu, Mêhicô... Giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu vẫn là thành phần kinh tế tư nhân với một số doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Vạn Lợi với sản phẩm cao su thô, Công ty TNHH Phương Hoa với sản phẩm tinh bột sắn, Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng với sản phẩm cà phê nhân.

Dù đã đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng theo ông Võ Xuân Sơn, hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh ta vẫn còn những hạn chế nhất định như: sức cạnh tranh của hàng hoá thấp, chủ yếu vẫn là xuất uỷ thác ủy thác qua đơn vị trung gian làm giảm giá trị hàng hoá, nguồn thu bị phân tán... Để khắc phục điều này, bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh, ngành Công thương và các ngành chức năng; bản thân các doanh nghiệp phải có lộ trình đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu để hạ giá thành sản phẩm, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hơn nữa chiến lược tìm kiếm các thị trường mới, mở rộng các thị trường truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa hơn nữa.

Nhìn một cách tổng quan, giá trị hàng hóa xuất khẩu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự đi lên của ngành công nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tín hiệu vui từ hoạt động xuất khẩu mà chủ đạo là xuất khẩu hàng hoá nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt khó khăn, tiếp tục bứt phá trong năm tới. Qua đó, góp phần cùng doanh nghiệp cả nước khẳng định thương hiệu hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thiên Hương

Chuyên mục khác