05/04/2018 07:21
Cuối tháng 3, UBND xã Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy) có báo, người dân ở thôn 7 của xã trình báo, ngày 27/2/2018, Công ty Cổ phần đầu tư V.C - Chi nhánh Thanh Hóa (gọi tắc Công ty V.C) đã tư vấn, đưa 2 lao động Y Thi và Y Bom ở thôn 7 ra khỏi địa phương, với định hướng học tiếng để đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út. Tuy nhiên, sau gần 1 tuần lao động đi ra Thanh Hóa, người nhà gặp khó khăn trong việc liên lạc với 2 lao động trên. Đồng thời, người thân không có nhiều thông tin về hoạt động của Công ty V.C tại địa phương và mức lương được giới thiệu đi làm việc ở Ả rập Xê út là 15 - 20 triệu đồng/người/tháng không đúng sự thật. Do đó, người thân đề nghị UBND xã yêu cầu Công ty V.C đưa Y Thi, Y Bom về nhà.
Theo ông Đỗ Xuân Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Lung, sau khi có phản ánh của nhân dân, chính quyền đã xuống thôn 7 rà soát, kiểm tra thông tin cung cấp của bà con đúng sự thật. Ông Linh nói: “Tôi đã liên lạc với đại diện của Công ty V.C, nêu rõ doanh nghiệp đã thực hiện việc tư vấn, đưa 2 công dân trên đi khỏi địa phương sai quy định hiện hành về xuất khẩu lao động. Đặc biệt, là hành vi xem thường pháp luật của Công ty này trong việc không trình báo, hoặc làm việc với UBND xã và phối hợp với người nhà, đối tượng đi xuất khẩu lao động hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi ra nước ngoài”.
Qua trao đổi, ông Linh còn cho biết, UBND xã cũng đã mời đại diện Công ty V.C đến làm việc, kiểm tra tư cách pháp nhân. Kết quả, doanh nghiệp có giấy phép hoạt động tư vấn tuyển dụng lao động làm việc ở nước ngoài do Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cấp. Riêng giấy giới thiệu của UBND huyện Kon Rẫy đồng ý cho doanh nghiệp vào địa bàn tư vấn lao động đã hết hạn vào ngày 31/12/2017.
Theo ông Linh, sau khi làm việc và có kết luận trên với Công ty V.C, UBND xã yêu cầu đưa 2 lao động về lại địa phương. UBND xã cũng đã báo cáo UBND huyện Kon Rẫy, Sở LĐ-TB&XH với kiến nghị siết chặt công tác quản lý doanh nghiệp, có biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp V.C chưa chấp hành đúng quy trình, quy định về tư vấn, tổ chức học việc, hoàn tất các thủ tục cho lao động trước khi đi xuất khẩu lao động.
Ngoài làm việc với UBND xã Đăk Tờ Lung, phóng viên Báo Kon Tum đã tìm cách liên lạc với ông Nguyễn Văn Hùng - chồng của chị Y Thi. Ông Hùng xác nhận thông tin, cán bộ UBND xã Đăk Tờ Lung đã kịp thời, tích cực can thiệp trường hợp của vợ ông trong công tác tư vấn, tuyển dụng đi xuất khẩu lao động chưa đúng quy định. Theo ông Hùng, sau khi vợ của anh trở về nhà và cán bộ của Công ty này tiếp tục đến nhà tư vấn, có giải thích và làm việc rõ ràng để ra UBND xã hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định. Nên tháng 3 vừa qua, ông đã đồng ý cho vợ trở ra Thanh Hóa học việc, chờ ngày xuất cảnh đi làm ở Ả rập Xê út.
Thế nhưng, ông Hùng vẫn trải lòng: Tôi vẫn có lo lắng, lúc đầu người của Công ty V.C nói lương mỗi tháng làm ở đấy (Ả rập Xê út -PV) rất cao 15-20 triệu đồng. Nhưng một tuần sau chính quyền can thiệp, yêu cầu doanh nghiệp có người lên tiến hành thủ tục ký hợp đồng và đọc rõ các nội dung ký kết cho vợ chồng tôi nghe, thì mức lương được trả ở mức 9 triệu đồng/tháng. Sự thật này cho thấy người tư vấn lao động chưa nói đúng cái tâm giới thiệu việc làm, nên tôi vẫn lo có nên để vợ đi làm ở ngoài nước không. Với số tiền lao động được trả như thế này ở tại Kon Tum, vợ chồng tôi vẫn làm ra được hàng tháng”.
Ngoài phản ánh của UBND xã Đăk Tờ Lung và người dân, thì theo thông tin phóng viên Báo Kon Tum có được trước và sau Tết Nguyên đán 2018, ở địa huyện Kon Rẫy có khoảng 8-10 lao động đã rời khỏi địa phương để đi xuất khẩu lao động “trót lọt” do một số doanh nghiệp tuyển dụng, nhưng không báo cáo chính quyền địa phương.
Còn nhớ, tháng 9/2017, kiểu “tự tung, tự tác” đưa lao động ra khỏi địa phương Tu Mơ Rông của 1 công ty tư vấn xuất khẩu lao động (đã bị rút giấy phép hoạt động) dẫn đến cho tới nay 3/6 lao động vẫn chưa có thông tin về cho gia đình. Trong đó, trường hợp lao động Y H’leo đi làm việc ở Ả rập Xê út và đến nay không có thông tin. Trường hợp này không qua trình báo với chính quyền địa phương, hiện tại chồng của chị phải bỏ nhà vào tận thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh gửi tiền về cho ông bà nội nuôi 2 con nhỏ ở địa phương.
Ông Trần Văn Thiện - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Đơn vị đã nắm được thông tin 2 trường hợp lao động tuyển dụng chưa đúng quy định ở xã Đăk Tờ Lung. Hiện tại, đơn vị đã ban hành Thông báo 20/TB-SLĐTBXH ngày 26/3, trong đó có nội dung yêu cầu các công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum phải thực hiện đúng các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 72/2006/QH11, ngày 29/11/2006) và các văn bản, quy định có liên quan. Trong đó, doanh nghiệp phải phối hợp với chính quyền địa phương (UBND cấp huyện, thông qua Phòng LĐ-TB&XH, UBND cấp xã), thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có tư vấn hai chiều (cả thuận lợi và những khó khăn có thể xảy ra).
Mặc dù các văn bản quy định đã được Sở LĐ-TB&XH thông báo nhắc lại, tuy nhiên không ít cán bộ cấp huyện, xã và phòng chuyên môn ngành LĐ-TB&XH phản ánh với phóng viên, từ lâu một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất ít tuân thủ quy định phối hợp thực hiện tư vấn, tuyển dụng lao động và chuyển hồ sơ liên quan về ngành chức năng quản lý. Nhiều trường hợp công ty có sai phạm còn đe dọa cán bộ ngành chuyên môn kiểu “muốn mất việc hay không?!”…
Do đó, một lần nữa, các ngành chức năng của tỉnh cần sớm tăng biện pháp xử lý, siết chặt quản lý doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này, không để người dân mất lòng tin về chủ trương tích cực xuất khẩu lao động để thoát nghèo bền vững.
Mai Trâm