Hoạt động giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh: ​Nơi làm tốt, nơi chưa nghiêm

26/10/2018 07:03

​Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 4/10 huyện, thành phố có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và Ngọc Hồi. Tuy nhiên, cách quản lý, điều hành ở mỗi địa phương khác nhau nên có nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt, vì thế hiệu quả thường trái ngược…

Nơi làm tốt

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, ngoài việc tuân thủ các quy trình chăn nuôi, tiêm phòng, chất lượng thức ăn, thì giết mổ đúng tiêu chuẩn vệ sinh thú y và được kiểm tra chặt chẽ từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu giết mổ, chế biến, vận chuyển đặc biệt là khâu giết mổ động vật là rất quan trọng.

Việc xây dựng các khu lò mổ tập trung là chủ trương đúng đắn và là yêu cầu thiết thực trong tình hình hiện nay nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh mới có 4/10 huyện, thành phố có cơ sở giết mổ gia súc tập trung.

Trong tổng số 4 cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở 4 huyện thì 3 cơ sở ở 3 huyện Đăk Tô, Sa Thầy và Đăk Hà được đánh giá là thực hiện khá tốt và hiệu quả.

Đơn cử như lò mổ gia súc tập trung ở huyện Đăk Tô, được xây dựng tại khối 6, thị trấn Đăk Tô, lò mổ có tổng diện tích đất sử dụng 15.000m2, với số vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng phục vụ hoạt động giết mổ gia súc cho người dân ở thị trấn Đăk Tô và xã Diên Bình.

Theo bà Lê Thị Thúy Mai - Giám đốc Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị Đăk Tô (đơn vị được giao quản lý khu giết mổ), thời kỳ đầu đi vào hoạt động, lò mổ luôn trong tình trạng lèo tèo chỉ vài hộ vào hoạt động, lò mổ tập trung đứng trước nguy cơ thua lỗ, phải đóng cửa.

Trước tình hình đó, Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị Đăk Tô  tham mưu UBND huyện thành lập Đội thi hành pháp luật của huyện. Đội thi hành này ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì thường xuyên đi kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ giết mổ gia súc lén lút tại nhà, nhằm xóa bỏ triệt để các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Để khu giết mổ gia súc tập trung hoạt động hiệu quả, các cơ quan Quản lý thị trường, Thú y huyện, Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Đăk Tô thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra các quầy bán thịt tại chợ trung tâm thị trấn Đăk Tô, các khu vực đông dân cư, khi phát hiện thấy sản phẩm thịt gia súc không có dấu kiểm dịch thì tiến hành lập biên bản, tịch thu sản phẩm, đồng thời thu hồi giấy phép kinh doanh.

Với cách làm kết hợp công tác tuyên truyền vận động với tiến hành kiểm tra, xử lý những cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, các cấp chính quyền và ngành chức năng đã làm cho các hộ giết mổ gia súc nhận thức rõ hơn về những lợi ích của việc đưa hoạt động giết mổ gia súc vào cơ sở tập trung và tự nguyện chuyển vào.

Hiện nay, 100% số hộ kinh doanh giết mổ gia súc ở địa bàn thị trấn và xã Diên Bình (15 hộ, trong đó, có 13 hộ giết mổ heo và 2 hộ giết mổ bò) đã chuyển vào hoạt động trong lò giết mổ tập trung.

“Ngoài việc phải làm tốt công tác phục vụ như điện, nước sôi... chúng tôi thực hiện công tác xử lý về môi trường, dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ, tiêu trùng khử độc trước sau khi mổ để làm hài lòng người dân...”- bà Mai chia sẻ.

Cũng tương tự, cơ sở giết mổ gia súc tập trung huyện Sa Thầy cũng thực hiện tốt, hiệu quả. Tất cả các hộ hoạt động giết mổ gia súc trên địa bàn đều thực hiện nghiêm chuyển vào cơ sở giết mổ gia súc tập trung.

Ông Trần Đại Hiệp - cán bộ phụ trách khu giết mổ gia súc tập trung huyện Sa Thầy (Trung tâm Dịch vụ công ích huyện Sa Thầy) cho biết: Để có được kết quả ấy là cả một lộ trình với những kế hoạch chi tiết, bài bản. Theo đó, Trung tâm đã kết hợp linh hoạt giữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách với việc giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân với cộng đồng. Đồng thời, phát huy tối đa quy chế dân chủ cơ sở bằng việc tham khảo, lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của những người đang hành nghề giết mổ. Đặc biệt là tranh thủ sự vào cuộc, đồng hành của cấp chính quyền địa phương đã giúp lò mổ hoạt động hiệu quả…

Nơi chưa nghiêm

Ngược lại với Sa Thầy và Đăk Tô, Đăk Hà, cơ sở giết mổ gia súc tập trung huyện Ngọc Hồi cũng được đầu tư bài bản nhưng hoạt động lại không mấy hiệu quả.

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại huyện Ngọc Hồi vắng hoe. Ảnh: V.P

 

Điều đáng nói, cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 5.000m2; thiết kế bài bản, chia làm 3 khu riêng biệt; giữa các khu ngăn cách bằng hàng rào kín, kết hợp trồng cây xanh để đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường.

Công trình cũng gồm đầy đủ các hạng mục khu hành chính, khu sản xuất, khu xử lý nước thải và đường nội bộ phục vụ công việc nhập xuất cách biệt độc lập, đáp ứng nhu cầu giết mổ từ 80-100 con gia súc/ngày của người dân các xã Đăk Xú, Đăk Kan và thị trấn Plei Kần.

Đầu tư xây dựng “hoành tráng” là vậy, nhưng hiện nay, hàng ngày khu giết mổ gia súc tập trung này chỉ có lèo tèo vài hộ kinh doanh giết mổ gia súc hoạt động. Trong khi đó, người dân hoạt động giết mổ ở 3 xã Đăk Xú, Đăk Kan và thị trấn Plei Kần hiện có khoảng 40 hộ với số lượng khoảng giết mổ khoảng 70-80 con gia súc mỗi ngày.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương cơ sở chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, kiểm tra và cơ quan chức năng chưa vào cuộc một cách quyết liệt, mọi hoạt động ở đây hầu như khoán trắng cho chủ cơ sở giết mổ trong công tác quản lý (đã bàn giao cho tư nhân thuê, quản lý).

Chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở có biện pháp và chế tài nghiêm đối với những hộ kinh doanh giết mổ gia súc không chịu đưa gia súc vào lò mổ đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nhưng mọi việc vẫn cứ kéo dài, đến nay cũng chưa được giải quyết rốt ráo. Hiện bình quân, mỗi ngày chỉ có 5-6 hộ đưa gia súc vào cơ sở giết mổ tập trung, các hộ còn lại khác giết mổ tại nhà.

Ông Trần Xuân Nam - Chủ cơ sở mổ gia súc tập trung huyện Ngọc Hồi cho biết: Theo quy định, tất cả các hộ kinh doanh giết mổ gia súc phải hoạt động giết mổ trong cơ sở tập trung. Thế nhưng, hiện số hộ vào hoạt động ở đây quá ít so với thực tế, họ vẫn mổ ở nhà với mục đích nhằm giảm bớt chi phí. Thậm chí, tôi biết có hộ một ngày mổ 4-5 con gia súc nhưng chỉ mang đến lò 1 con nhằm đối phó. Nguyên nhân chính do chính quyền địa phương cơ sở và cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp giết mổ gia súc tại nhà.

 “Tôi đã đề nghị chính quyền huyện Ngọc Hồi cần có biện pháp chỉ đạo đơn vị chức năng và chính quyền địa phương cơ sở trên địa bàn triển khai các biện pháp xử lý mạnh, yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh giết mổ phải đưa gia súc vào giết mổ ở lò mổ tập trung… nhằm đảm bảo thuận lợi trong việc kiểm soát nguồn gốc, kiểm tra, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm động vật và đảm bảo môi trường…”- ông Nam đề xuất.

Cũng theo ông Nam, hiện tại trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, nguồn thực phẩm thịt gia súc đang buôn bán ngoài thị trường vẫn còn một lượng lớn chưa qua kiểm định, không có dấu kiểm dịch. Số lượng thực phẩm gia súc trên vẫn trôi nổi “vô tư” giữa chợ mà không hề thấy cơ quan chức năng xử lý. Cũng chính từ sự quản lý lỏng lẻo mà người dân hành nghề giết mổ gia súc trên địa bàn vẫn thờ ơ không đưa gia súc vào lò mổ tập trung…

Thực tế, UBND huyện Ngọc Hồi cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn  nuôi và Thú y, UBND các xã Đăk Xú, Đăk Kan, thị trấn Plei Kần có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh giết mổ gia súc thực hiện nghiêm việc đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung. Đồng thời, thành lập đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động mua bán động vật tại chợ, giết mổ tại nhà và xử lý các trường hợp hộ kinh doanh thực phẩm gia súc không có dấu kiểm dịch hoặc tem vệ sinh thú y, cũng như các hộ giết mổ gia súc không đúng nơi quy định…

Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Ngọc Hồi rõ ràng là vậy, nhưng việc triển khai thực hiện sự chỉ đạo nêu trên ở một số đơn vị cơ quan chức năng của huyện chưa thật sự cương quyết, có nơi chỉ mang tính hình thức “qua loa chiếu lệ”.

Bản thân tôi đã có lần tham gia đoàn kiểm tra việc giết mổ gia súc của một vài hộ gia đình ở thị trấn Plei Kần. Dù lực lượng liên ngành có đầy đủ thành viên từ chính quyền thị trấn Plei Kần, đơn vị chức năng và cả lực lượng công an thị trấn, nhưng chúng tôi thấy lực lượng chức năng thiếu sự kiên quyết trong việc xử lý. Có lẽ đây là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh giết mổ gia súc ở Ngọc Hồi “nhờn”.

Thiết nghĩ, để hoạt động cơ sở giết mổ gia súc tập trung thực sự hiệu quả và đảm bảo đúng quy định, ngoài việc cơ sở giết mổ phải thực hiện tốt công tác quản lý, phục vụ, tiêu trùng khử độc, vệ sinh môi trường thì cũng có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cơ sở. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý quyết liệt đối với các hộ kinh doanh giết mổ cố tình không thực hiện đưa gia súc vào giết mổ tập trung.

Văn Phương 

Chuyên mục khác