Hoàng Danh Chuyền - Khởi nghiệp từ nuôi cá

23/09/2016 09:02

Trang trại khép kín VACR của ông Hoàng Danh Chuyền (60 tuổi, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hài) là một trong những trang trại làm ăn kinh tế hiệu quả trên địa bàn tỉnh, được nhiều người đến tham quan học hỏi.

Ông Chuyền cho biết, ông manh nha nuôi cá để kiếm tiền từ năm 2004. Tuy nhiên, năm đó mới về hưu không có vốn nên ông chỉ đào hồ nuôi cá với bờ đất. Đến năm 2010, ông Chuyền tính toán: Đầu tư bài bản thì mất 1,5 tỉ đồng, làm cùng một lúc thì thiếu tiền nên ông tích lũy vốn hàng năm và đầu tư dần từng bước. Đến 2012, toàn bộ hồ nuôi cá đã được ông xây dựng bê tông, có kênh mương nước, điện 3 pha. Lúc này, ông Chuyền bắt tay vào nuôi cá quy mô.

Nhiều người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi cá của ông Chuyền. Ảnh: P.N

 

Khi hồ cá đã bài bản, ông Chuyền tìm đến xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ (Bình Định) để mua cá giống. Cứ mỗi năm nuôi 2 đợt, mỗi đợt ông bỏ ra trên dưới 110 triệu đồng để mua từ 4-5 tạ cá giống (tương đương khoảng 120.000 con). Sau đó, ông đưa về nuôi ở 9 hồ cá, trong đó hồ lớn nhất rộng 4.500m2, hồ nhỏ nhất 800m2.

Quá trình nuôi, ông phân ra từng lứa riêng để đưa kỹ thuật nuôi cá vào từng giai đoạn, làm sao tháng nào trong năm cũng có cá xuất bán. Ông Chuyền bảo: Làm như vậy là để cá không xuất ra thị trường nhiều, sẽ bị thương lái ép...

Tại hồ nuôi, ông Chuyền phân cá hồ nuôi thành 3 tầng: tầng nước mặt là cá trắm cỏ, tầng nước giữa là cá rô phi và tầng đáy là cá chép, trong đó số lượng nhiều nhất là cá rô phi. "Mình cho cá ăn cám tổng hợp và cỏ các loại, sau đó phân cá trắm thì cá rô phi ăn, còn phân cá rô phi thì cá chép ăn"- ông Chuyền nói.

Mô hình trang trại vườn - ao - chuồng của ông Chuyền được huyện Đăk Hà giới thiệu cho các đoàn đến tham quan học hỏi. Ảnh: P.N

 

Cách nuôi cá của ông Chuyền còn đặc biệt ở chỗ, trên các hồ nuôi cá, ông xây dãy chuồng nuôi heo, với số lượng từ 40-50 con. Thế nhưng, dù ông bỏ tiền xây chuồng nhưng người nuôi heo và hưởng lợi lại là 4 người làm công cho ông Chuyền. Ông giải thích, muốn nuôi cá thì phải có phân chuồng bón lót hồ nuôi, vì thế trước mỗi lứa nuôi cá đều phải đi mua phân này. Thế thì sao không tự nuôi heo để lấy phân nuôi cá, còn làm lợi cho cả người làm công cho mình nữa.

"Mình cốt là lấy phân nuôi cá, còn lợi nhuận nuôi heo thì để anh em làm công hưởng, họ sẽ gắn bó lâu dài với mình"- ông Chuyền chia sẻ. Với 4 người làm công quanh năm trông coi hồ nuôi cá, có ai thuê giá cao họ cũng không bỏ ông đi nơi khác. Nguyên nhân chính là cách làm “lợi cả đôi bên” của ông Chuyền: Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, phần lợi nhuận cả năm tính ra đều chia 50-50 cho 4 lao động. Cách làm này không những chủ hồ cá yên tâm mà ngay người lao động cũng tích cực nuôi heo, cá tốt hơn, sau này tiền bán ra càng nhiều thì họ càng có lợi.

Ông Chuyền tính toán, mỗi năm chi phí bỏ ra khá lớn; trong đó, chỉ tính tiền mua 80 tấn cám cho cá ăn mỗi năm cũng mất trên dưới 350 triệu đồng. Tuy nhiên, cứ mỗi năm xuất bán cá, sau khi trừ tổng các khoản chi phí, vẫn còn thu lãi từ 400-500 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại gồm hồ nuôi cá và cà phê bài bản của gia đình, ông Chuyền cho biết, quê ông ở huyện Nam Sách (Hải Dương). 39 năm trước, ông là bộ đội vào huyện Đăk Hà xây dựng vùng kinh tế mới và đến nay đã có cơ ngơi với 17ha cà phê, 2ha hồ nuôi cá, 1ha sân phơi.

Theo đó, ngoài lợi nhuận từ nuôi cá, ông Chuyền còn có nguồn thu 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/năm từ cà phê, bời lời. Gia đình ông Chuyền hiện đang đầu tư 4 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng trang trại gia đình, trong đó có kênh mương 700m, bê tông hóa đường nội bộ dài 800m, rộng 3,5 m đảm bảo ô tô vào ra cùng hệ thống điện, nước để tưới tiêu trong năm.

Tham quan mô hình kinh tế của ông Chuyền, chúng tôi cảm phục ý chí dám nghĩ dám làm của ông. Bỏ ra bao công sức, giờ ông trở thành “tỷ phú chân đất” nổi danh nhất nhì huyện Đăk Hà.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác