Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

24/05/2017 17:57

​Những năm qua, thực hiện phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, Hội Nông dân các cấp đã chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, dạy nghề cho lao động nông thôn…, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống...

Trò chuyện với chúng tôi, bà Y Thi (hội viên nông dân xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) cho biết đã tham gia 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với số tiền tích cóp nhiều năm, năm 2012, bà mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình bà có 2ha cây cà phê, 1ha cây bời lời (đã cho thu hoạch), nuôi 4 con bò và hơn 100 heo, con gà, vịt. Từ một hộ nghèo, gia đình bà đã vươn lên có mức sống khá, với mức thu nhập hàng năm từ 120-150 triệu đồng.

Cũng như bà Thi, ông A Kiên (hội viên nông dân xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) nhiều năm trước cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhờ Hội Nông dân xã tư vấn, ông tham gia 2 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ vào sản xuất, vay 25 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng cà phê, chăn nuôi. Sau 5 năm tích cực làm ăn, chi tiêu hợp lý, đến nay, gia đình ông đã thoát khỏi hộ nghèo với mức thu nhập trên 130 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình ông có 1,5ha cà phê kinh doanh, vườn cây ăn trái; nuôi 5 con bò, 12 con heo, trên 50 con gà, vịt...

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cà phê. Ảnh: Q.Đ

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ năm 2012 đến nay, Hội Nông dân các cấp mở được 583 lớp tập huấn ngắn ngày về áp dụng khoa học kỹ thuật cho 25.640 lượt hội viên, nông dân; tổ chức 10 đợt cho 380 nông dân nghèo đi học tập kinh nghiệm một số mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh; phối hợp với cơ quan chức năng mở 86 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 2.546 lao động nông thôn.

Bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân các cấp đã  tín chấp cho nông dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất; tiếp nhận 5 tỷ 430 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội ủy thác, thực hiện có hiệu quả 23 dự án cho 350 hộ vay; tiếp nhận từ nguồn ngân sách tỉnh với số vốn 2 tỷ đồng thực hiện 4 dự án cho 48 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập 523 tổ tiết kiệm & vay vốn, cho trên 20.000 hộ vay với số tiền gần 600 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập 6 tổ vay vốn, với 124 hộ vay, số tiền 2 tỷ 225 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với một số doanh nghiệp tín chấp mua gần 12.500 tấn phân bón các loại trả chậm cho nông dân; phối hợp với doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp EKMAT, hỗ trợ cho nông dân 50% giá mua cây giống cà phê tái canh cho gần 750 hộ, với 1.100 vạn cây giống các loại.

Điểm sáng đáng chú ý là kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta, thời gian qua, nhiều hộ nông dân có điều kiện kinh tế khá giả, có kinh nghiệm làm ăn đã dành một phần giống, vốn, lương thực, ngày công lao động, kinh nghiệm sản xuất để giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nông dân nghèo còn nhiều khó khăn. Từ năm 2012 đến nay, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh đã giúp đỡ 30.695 cây, con giống các loại, 12.658kg lương thực, 59.860 ngày công, tạo việc làm cho hơn 28.900 lao động có việc làm tại chỗ (trong đó có hơn 12.500 lao động có việc làm thường xuyên và 16.400 lao động có việc làm theo mùa vụ), giúp 15.876 hội viên, nông dân nghèo vươn lên thoát khỏi đói nghèo và làm giàu, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh.

Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, tư vấn, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã nêu cao ý chí, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình, không ngừng mở rộng sản xuất, hình thành các trang trại kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng có quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 491 trang trại, trong đó 185 trang trại có quy mô sử dụng đất dưới 5ha, chiếm 38,46%; từ 5-10ha có 240 trang trại, chiếm 47,82ha; trên 10ha có 66 trang trại, chiếm 13,72%. Kinh tế trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho 4.176 lao động.

Ông Đồng Văn Tư tại cơ sở kinh doanh dịch vụ câu cá của GĐ. Ảnh: Q.Đ

 

Một số hộ nông dân có tiềm lực kinh tế khá, có đầu óc tư duy cách làm giàu tốt, có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giỏi đã mạnh dạn thành lập các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, toàn tỉnh có 67 hợp tác xã; trong đó, 29 hợp tác xã nông nghiệp, 27 hợp tác xã kinh doanh thu mua hàng nông sản, còn lại là loại hình hợp tác xã tổng hợp.

Có thể nói, với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân các cấp trong thời gian qua đã tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao cuộc sống.

                                                                                Cao Cường   

Chuyên mục khác