Hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

16/05/2020 13:02

Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/4, nhiều ngân hàng đồng loạt công bố các gói tín dụng lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Quy mô các gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất của các ngân hàng dành cho khách hàng liên tiếp được tung ra và cũng tăng dần cùng dư nợ nói trên. Hiện, gói hỗ trợ của các ngân hàng đã lên đến gần 300.000 tỷ đồng (con số này bao gồm khoảng 165.000 tỷ đồng cho vay mới) và được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ góp phần giúp nền kinh tế của nước ta phục hồi nhanh chóng, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau khi ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 thành công. 

Là một trong những ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, Agribank Kon Tum triển khai rất sớm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ngay khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Agribank Kon Tum đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh để họ có nguồn vốn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; như chủ động rà soát nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng, từ đó áp dụng thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi tiền vay, giảm phí giao dịch ngân hàng điện tử, cân đối đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho khách hàng; tích cực triển khai các giải pháp tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Cũng với tinh thần chủ động, tích cực chung tay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, BIDV Kon Tum kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng như miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các gói tín dụng với lãi suất phù hợp để hỗ trợ khách hàng...

Hoạt động giao dịch tại Agribank Kon Tum. Ảnh: DL

 

Đến nay, BIDV Kon Tum đã cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 8 khách hàng với số dư nợ 121,84 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay 216 khách hàng với số dư nợ 237,55 tỷ đồng và số lãi được giảm 0,18 tỷ đồng; cho vay mới theo gói hỗ trợ của BIDV 45 khách hàng với số tiền vay 157,92 tỷ đồng.

Chung tay với các ngân hàng, Vietcombank Kon Tum cũng nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và của Vietcombank về hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng. Đơn vị đã hỗ trợ (đợt 1) giảm 1%, 1,5% lãi suất, giãn nợ lãi... Đợt 2 giảm lãi cho 10%/tổng số lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid - 19 trong thời gian từ ngày 15/04 đến hết ngày 30/09/2020 và 5% cho khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid - 19 từ ngày 15/04 đến hết ngày 30/06/2020 với tổng số khách hàng được hỗ trợ là 3.386 khách hàng với tổng dư nợ được hỗ trợ là 4,866 tỷ (chiếm trên 90% tổng dư nợ tại đơn vị).

Vietinbank Kon Tum cũng phát đi thông báo cho biết, trên tinh thần chung tay chia sẻ trước những ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh, Vietinbank Kon Tum triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2% đến 4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Kon Tum Kon Tum cho biết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Chi nhánh Kon Tum đã yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn làm việc với từng doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; tiếp cận chính sách hỗ trợ của ngân hàng; đôn đốc, kiểm tra các bộ phận, chi nhánh, phòng giao dịch trong việc triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Chi nhánh cũng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cơ quan báo chí của địa phương trong việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp; tình hình triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhưng theo nhận định của ông Nguyễn Đình Bắc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì việc các ngân hàng tung ra các gói hỗ trợ là kịp thời, nhưng thực tế triển khai lại khiến cho nhiều doanh nghiệp than phiền, vì khó tiếp cận. Nếu không có một cơ chế đặc biệt khác thì rất khó đẩy nhanh tốc độ “giải cứu” các doanh nghiệp hiện nay, một phần vì các gói hỗ trợ đang công bố đều xuất phát từ “túi tiền” các ngân hàng thương mại. Trong khi, bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp không có doanh thu, hàng tồn kho tăng lên, doanh nghiệp ngừng sản xuất thì sức khỏe tài chính đi xuống. Do đó, nhiều doanh nghiệp khó có hồ sơ tài chính tốt để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Hơn nữa, điều doanh nghiệp cần hiện nay là vốn lưu động để trả các khoản chi phí từ thuê nhà xưởng cho đến lương nhân viên, chứ không chỉ là chi phí lãi vay. Mà đa phần các doanh nghiệp cần giãn nợ, giảm sâu nợ vay khi dư địa vẫn còn để có dòng tiền vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thực hiện Văn bản số 2678/NHNN-VP ngày 16/4/2020 của NHNN Việt Nam, về việc thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN, NHNN Chi nhánh Kon Tum đã gửi số điện thoại đường dây nóng để thông báo trên Cổng thông tin điện tử NHNN Việt Nam; đồng thời thực hiện thông báo trên Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN; thành lập bộ phận thường trực tại Chi nhánh để tiếp nhận và xử lý kiến nghị phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng - ông Hoàng Minh Tân cho biết thêm.   

Dương Lê

Chuyên mục khác