03/01/2017 09:11
Bí thư Tỉnh đoàn Huỳnh Quốc Huy chia sẻ, để "thắp lửa" khởi nghiệp cho thanh niên vùng khó như Kon Tum đang có những khó khăn nhất định, đó chính là việc trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên; đó là việc lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế nào cho việc khởi đầu trong tiến trình lập thân, lập nghiệp.
Đến nay, Tỉnh đoàn Kon Tum đã thành lập Tổ hỗ trợ thanh niên khởi sự lập nghiệp và làm việc với Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum để “Ươm mầm khởi nghiệp” cho những sinh viên năm cuối, kêu gọi những đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ tỉnh nhà thực hiện ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn tổ chức trao đổi, học tập những kinh nghiệm với Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp như gieo hạt, ươm mầm, phát triển mô hình khởi nghiệp cho thanh niên trong tỉnh. Qua làm việc, Kon Tum cam kết sẽ là đầu đón, là vùng đất ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp hay của các sinh viên đã tốt nghiệp trong cả nước, nhất là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Ông Nguyễn Đức - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, đang vận động để xây dựng Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nhằm mục đích khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong tỉnh có nguyện vọng, ý tưởng, phương án khởi nghiệp doanh nghiệp, đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất các sản phẩm, hàng hoá phục vụ đời sống, đặc biệt là hỗ trợ những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng đặc sản mang thương hiệu địa phương…
Câu chuyện về khởi nghiệp được ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh nhìn nhận một cách thú vị: Cả về lý thuyết và thực tế đều chứng minh rằng, khởi nghiệp là "mồi lửa" châm ngòi sức sáng tạo của những người có ý chí bứt phá, biết tranh thủ thời cơ, hạn chế thấp nhất các thách thức, rủi ro. Phong trào thanh niên khởi nghiệp đang được khuấy động mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Hùng chia sẻ thêm, vướng mắc đang đặt ra hiện nay của nhiều thanh niên trong tỉnh là muốn đầu tư phát triển kinh tế nhưng lại thiếu nguồn vốn, trình độ năng lực về nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế…
“Vì vậy, việc đào tạo khởi nghiệp cho các sinh viên, cho thanh niên là đào tạo để họ có kiến thức, kỹ năng, thái độ hợp tác, đủ để sẵn sàng tham gia vào các doanh nghiệp khởi nghiệp như một người làm công. Có được thành công như hôm nay, tôi cũng từng đi làm thuê”- ông Hùng khẳng định.
Có thể thấy, trong quá trình "thắp lửa" khởi nghiệp cho thanh niên trong tỉnh, một "lỗ hổng" lớn vẫn đang tồn tại, đó chính là việc trang bị kỹ năng khởi nghiệp. Hệ quả là rất nhiều bạn trẻ rất lúng túng trong việc lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế nào trong quá trình chọn điểm khởi đầu cho tiến trình lập thân, lập nghiệp.
Điều này cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức để tổ chức Đoàn Thanh niên xây dựng, triển khai các chương trình, chính sách, đề án hỗ trợ, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên, huy động các nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và triển khai các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn…
Những chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sẽ là rất cần thiết để không lãng phí những đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo không giới hạn của tuổi trẻ. Về phía thanh niên, cần hưởng ứng và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, chủ động tiếp cận chương trình, tích cực tham gia vào các hoạt động để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, vận dụng những kiến thức được đào tạo tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh để lập nên các dự án khởi nghiệp có giá trị thực tiễn cao, tạo ra của cải vật chất cho cộng đồng và xã hội.
Dương Lê