Hỗ trợ gây nuôi và bảo vệ động vật hoang dã

07/08/2017 18:02

Động vật hoang dã có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái trong môi trường tự nhiên. Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền và tạo điều kiện cho người dân gây nuôi động vật hoang dã nhằm góp phần giảm áp lực bẫy bắt động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.

Tạo điều kiện cho người dân gây nuôi

Theo các cán bộ kiểm lâm, chúng tôi về thăm cơ sở gây nuôi động vật hoang dã của bà Bùi Thị Ải, thôn Thung Nai, xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi). Bà Ải cho biết, được sự quan tâm và tạo điều kiện của cán bộ kiểm lâm huyện, năm 2008, gia đình bà xây dựng cơ sở nuôi nhím. Đến nay, cơ sở phát triển 24 con nhím, trong đó có 4 con nhím giống. Mặc dù giá nhím khoảng 200 nghìn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với những năm trước, nhưng việc nuôi nhím giúp gia đình có thêm thu nhập và nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng.  

Dúi được nuôi ở xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei. Ảnh: V.N

 

Theo ông Đào Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, hiện nay, trên địa bàn xã chỉ có 2 hộ nuôi động vật hoang dã là nhím và chồn. Các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều đăng ký nuôi và thực hiện theo đúng quy định. Mặc dù thị trường tiêu thụ gặp khó hơn trước, nhưng việc nuôi động vật hoang dã cũng góp phần giúp cho các hộ nuôi kiếm thêm thu nhập, nâng cao đời sống.   

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân gây nuôi, Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã và kiểm tra các nhà hàng, quán ăn nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ động vật hoang dã có nguồn gốc từ môi trường tự nhiên.

Ghé quán ăn của bà Hoàng Thị Mai Lan, thôn Lịt, xã Bờ Y, chúng tôi được biết gia đình bà thực hiện đúng các quy định. “Gia đình tôi ký cam kết không buôn bán động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên. Nếu khách có nhu cầu, tôi sẽ mua động vật hoang dã ở các cơ sở gây nuôi trên địa bàn để phục vụ khách”- Bà Lan khẳng định.

Kiểm tra quán ăn ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: V.N

 

Bàn về gây nuôi động vật hoang dã, ông Dương Đắc Thế - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi thừa nhận, mặc dù gần đây đầu ra gặp khó khăn, nhưng toàn huyện vẫn còn 5 cơ sở nuôi động vật hoang dã, cầy vòi hương, nhím, rùa với 168 cá thể (50 heo rừng, 3 cầy vòi hương, 5 rùa và 110 con nhím). Việc tạo điều kiện cho người dân gây nuôi cùng với việc tăng cường kiểm tra và tổ chức cho các nhà hàng ký cam kết không buôn bán thịt, kinh doanh động vật hoang dã góp phần tích cực trong việc bảo vệ động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.  

Kiên quyết xử lý và nâng cao nhận thức người dân

Ông Thế cũng khẳng định, đối với các đối tượng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện cũng cương quyết xử lý nhằm răn đe và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Trên thực tế, trong năm 2016, Hạt Kiểm huyện Ngọc Hồi phát hiện và xử lý 2 trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng; tịch thu 17 cá thể động vật hoang dã cầy hương, kỳ đà, ba ba… Đối với các cá thể còn sống, Hạt thả vào rừng tự nhiên theo quy định. Đối với các cá thể yếu, bị thương tật, Hạt chuyển cho Trung tâm Cứu hộ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cứu hộ.

Đến huyện Đăk Glei, chúng tôi vào thăm một cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã của bà Trương Thanh Phước ở thôn Broong Mỹ, xã Đăk Môn. Động vật hoang dã được bà Phước nuôi gồm rùa, cầy hương, cầy mốc, nhím, heo rừng và dúi. Bà Phước khẳng định, cơ sở nuôi động vật hoang dã của bà thường được lực lượng kiểm lâm huyện kiểm tra và bà thực hiện đúng cam kết.

Cầy hương được nuôi ở xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei. Ảnh: V.N

 

“Khi động vật hoang dã được nhập, xuất hay chết, gia đình đều báo cho kiểm lâm phụ trách địa bàn. Cơ sở nuôi có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định” - bà Phước nói và đưa chúng tôi xem giấy tờ.

Ông Lê Tiến Trung - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glei khẳng định, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ động vật hoang dã được thường xuyên. Nhờ vậy, nhận thức người dân về gây nuôi và bảo vệ động vật hoang dã được nâng lên.

Khẳng định điều này, ông Trung nêu lên điển hình về việc em Trần Thanh Nhàn, thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) trong tháng 6/2017 khi đi rẫy nhặt được con voọc chà vá chân nâu giao cho kiểm lâm cứu hộ.

Trao đổi với tôi, Nhàn thật lòng: Nghỉ hè (em học Trường Cao đẳng Sư phạm ở Kon Tum - PV), em về nhà đi rẫy hái rau và nhặt được con voọc (khoảng 1kg) yếu ớt, lạc mẹ ở bụi cây. Nghe cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã và qua xem báo đài, em giao voọc cho kiểm lâm huyện cứu hộ. Con voọc sau đó được kiểm lâm kịp thời bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Cúc Phương.

Nhìn lại công tác gây nuôi và nâng cao nhận thức người dân bảo vệ động vật hoang dã, ông Trần Tân Văn - Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, hàng năm, Chi cục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường tuyền truyền bảo vệ động vật hoang dã; khuyến khích người dân gây nuôi động vật hoang dã để nâng cao thu nhập. Thông qua các hoạt động này góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã, giảm áp lực lên việc bẫy bắt động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.

Việc tạo điều kiện cho người dân gây nuôi động vật hoang dã cùng với việc tăng cường bảo vệ động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên góp phần cần bằng môi trường sinh thái. Đây không chỉ là việc làm có ý nghĩa nhân văn mà còn góp phần bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác