Hỗ trợ doanh nghiệp

24/08/2023 13:12

Tinh thần đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, với việc UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai chuỗi các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về tiếp cận vốn vay, thuế, phí, lệ phí, cải cách thủ tục hành chính.

Thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là sau đại dịch Covid-19, chứng minh doanh nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Xác định rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp, những năm qua, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành. Cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp dần được hoàn thiện, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được chú trọng góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Qua đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hưởng cơ chế chính sách miễn giảm tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh; hỗ trợ khởi nghiệp từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh; hỗ trợ khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh; hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: HL

 

Tinh thần đồng hành, phục vụ doanh nghiệp được đẩy mạnh với việc UBND tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch để hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển; tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ; thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong đó, đáng lưu ý là công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đạt được kết quả cao.

Các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự phù hợp với doanh nghiệp; việc tiếp cận nguồn vốn vay thương mại còn gặp khó khăn do không đáp ứng được các điều kiện vay như không có hoặc thiếu tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, công tác bố trí quỹ đất sạch phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt quỹ đất sạch ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp. Chưa có chính sách phù hợp để khuyến khích các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được triển khai hiệu quả. Ảnh: HL

 

Hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, năng lực quản trị, điều hành kinh doanh còn yếu, thiếu chiến lược kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp thấp, năng suất lao động và giá trị gia tăng cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất thấp, các doanh nghiệp chưa chú trọng việc tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, kỹ năng và tay nghề lao động trong các doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất kinh doanh còn thấp.

Trong những lần đối thoại giữa UBND tỉnh với doanh nghiệp, hay chương trình Cà phê doanh nghiệp-doanh nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã nói, chỉ khi chính quyền, cơ quan quản lý đặt mình vào vai chủ doanh nghiệp, không tạo thêm rào cản hay chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, thì mới thật sự “đồng hành và phục vụ”.

Có thể thấy, trong thời gian qua, nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu chi phí và thời gian cho doanh nghiệp đang lan tỏa. Từ đó, hiện tượng doanh nghiệp phải đi lại lần này đến lần khác, mỗi lần chỉ để thực hiện một yêu cầu khác nhau đã và đang được khắc phục.

Đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2022. Theo đó, tỉnh Kon Tum đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên; tăng 24 bậc so với năm 2021; cao nhất từ năm 2006 đến nay.

Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tăng cường, tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, triển khai chuỗi các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chú trọng tháo gỡ các rào cản từ quy hoạch, đấu giá, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại.

Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; những quy định còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường và lĩnh vực khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận.

Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.           

Hồng Lam

Chuyên mục khác