Hỗ trợ doanh nghiệp

19/06/2023 13:08

Tinh thần chính quyền đồng hành, phục vụ doanh nghiệp chỉ thật sự có hiệu quả khi cơ quan quản lý đặt mình vào vai chủ doanh nghiệp, không tạo thêm rào cản hay chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa bắt đầu ngày làm việc mới bằng loạt cuộc gọi hỏi thăm đối tác tại các địa phương khác về tình hình kinh doanh, nhất là đầu ra cho sản phẩm vật liệu xây dựng.

Là chủ một nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, anh đã gần như cạn kiệt vốn liếng, sức lực sau thời gian dài chống chọi với dịch Covid-19.

Trong thời gian ấy, anh gần như bị mất phương hướng. Công ty sản xuất cầm chừng vì không có đầu ra, gần như co lại càng nhỏ càng tốt, cố gắng tự bảo vệ mình. Mọi ý định về sản xuất kinh doanh dừng lại, anh Nghĩa phải tính đến các phương án thu hồi nguồn vốn.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp còn khó khăn hơn, rơi vào tình trạng "chết lâm sàng”, thậm chí dừng hoạt động, phá sản.

Hỗ trợ vốn và giải quyết các rào cản cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Ảnh: H.L

 

Dù vậy, ngay cả khi khó khăn nhất, tôi vẫn tin rằng, luôn có cầu vồng trong cơn mưa. Dịch bệnh sẽ được kiểm soát, chính sách phòng chống dịch sẽ chuyển hướng. Việc tôi cần làm là kiên cường chống chọi, chuẩn bị lực cho bước phục hồi.

Thực tế đã chứng minh niềm tin của anh Nghĩa. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ và địa phương đã điều chỉnh chiến lược, thực hiện triệt để “bình thường mới”, với nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế phục hồi được triển khai.

UBND tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch để hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển; tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ; thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với những đổi thay bất lợi, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh.

Như những doanh nghiệp khác, anh Nghĩa mạnh dạn và nắm bắt cơ hội để bắt tay vào khôi phục sản xuất. Tuy vậy, mọi chuyện không hề dễ dàng, khi chuỗi cung cầu đứt gãy, sản phẩm làm ra tồn đọng, doanh nghiệp khó thu hồi vốn.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, doanh nghiệp vẫn bị “bủa vây” bởi lãi suất ngân hàng cao, trong khi các ngân hàng còn e dè, chưa thực hiện giảm lãi suất cho vay, mặt khác muốn vay được cũng nhiều thủ tục rườm rà, khó tiếp cận. Bên cạnh đó chi phí đầu vào như nguyên, nhiên, vật liệu tăng. Đây là lúc doanh nghiệp “yếu ớt” nhất, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ phía chính quyền và các ngành.

Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cần hỗ trợ những gì?

Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn tạo động lực phát triển. Ảnh: H.L

 

Một điểm cộng trong thời gian qua là tinh thần “đồng hành và phục vụ” càng được tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ nhằm đảm bảo rằng doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính sẽ được hướng dẫn đầy đủ, dễ hiểu, chỉ phải bổ sung thông tin, chỉnh sửa hồ sơ, văn bản không quá một lần.

Nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu chi phí và thời gian cho doanh nghiệp đang lan tỏa. Từ đó, hiện tượng doanh nghiệp phải đi lại lần này đến lần khác, mỗi lần chỉ để thực hiện một yêu cầu khác nhau đã và đang được khắc phục.

Trong những lần đối thoại giữa UBND tỉnh với doanh nghiệp, hay chương trình Cà phê doanh nghiệp-doanh nhân, bên cạnh mối bận tâm về nguồn vốn, doanh nghiệp kiến nghị nhiều nhất là các rào cản từ quy hoạch, đấu giá, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại.

Theo một chủ doanh nghiệp, làm thế nào để các quy định pháp luật trở nên đơn giản, dễ nắm bắt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ là quan tâm hàng đầu.

Một số doanh nghiệp phản ánh từng gặp phải các vấn đề bất cập của chính sách, nhưng khi phản ánh với chính quyền hoặc cơ quan chức năng thì thời gian chờ đợi giải quyết quá lâu, đến khi được triển khai hoạt động hỗ trợ, doanh nghiệp đã mất cơ hội kinh doanh.

Nếu môi trường kinh doanh được cải cách mạnh mẽ hơn, nếu các cơ quan quản lý thật sự đặt doanh nghiệp là trọng tâm hỗ trợ thay vì cái gì không quản được thì cấm, hoặc đặt ra các điều kiện khó dễ, thì chắc chắn sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần làm để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Trước mắt, cần khẩn trương rà soát các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản.

Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; những quy định còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường và lĩnh vực khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận.

Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.

Và cuối cùng, như Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã nói, chỉ khi chính quyền, cơ quan quản lý đặt mình vào vai chủ doanh nghiệp, không tạo thêm rào cản hay chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, thì mới thật sự “đồng hành và phục vụ”.

Hồng Lam       

Chuyên mục khác