Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS

28/02/2024 13:08

Trong loạt điểm mới của Luật Đất đai, tôi đặc biệt quan tâm đến việc Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS.

Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS; nguồn lực thực hiện chính sách; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách.

Trên thực tế, trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp luôn đặc biệt quan tâm và có hàng loạt chủ trương, chính sách, chương trình, dự án cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Gần đây nhất, tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 “Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS”.

Nhiều dự án được triển khai giải quyết tình trạng thiếu đất ở của hộ đồng bào DTTS. Ảnh: H.L

 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình), trong đó nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất được triển khai thực hiện tại Dự án 1.

Đối với tỉnh ta, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào DTTS luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng cân đối, bố trí đảm bảo các chỉ tiêu, nhu cầu sử dụng đất đối với các loại đất vùng đồng bào DTTS.

Hàng loạt dự án sắp xếp, bố trí dân cư, tái định cư, giãn dân được triển khai, như Dự án di dời, sắp xếp dân cư tại các xã Tê Xăng, Tu Mơ Rông, Đăk Rơ Ông và một số vùng sạt lở ở huyện Tu Mơ Rông; Dự án bố trí, ổn định dân di cư tự do và dân cư biên giới huyện Sa Thầy; Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư huyện Ia H’Drai; Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do các xã Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Plô, huyện Đăk Glei.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở đạt khoảng 98,56%, đất sản xuất ước đạt 98,6% trên tổng số hộ đồng bào DTTS của toàn tỉnh.

Một số địa phương không còn quỹ đất sản xuất đã linh hoạt chuyển nội dung hỗ trợ về đất sản xuất sang hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế, như phát triển chăn nuôi; mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất.

Có đất ở để “an cư”, có đất sản xuất để “lạc nghiệp”, có các chính sách hỗ trợ khác để vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng bào DTTS càng thêm tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng nảy sinh những vướng mắc, khó khăn tác động đến tiến độ và hiệu quả. Đáng chú ý là một số địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ, giải quyết cho các hộ đồng bào DTTS không có đất ở, đất sản xuất.

Kết quả rà soát, xác định số hộ và tỷ lệ hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất ở một số địa phương chưa  kịp thời, chưa sát với thực tế có đất ở, đất sản xuất dẫn đến số liệu chưa đảm bảo.

Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS. Ảnh: HL

 

Việc Luật Đất đai (sửa đổi) có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS cho thấy Đảng, Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra là đến năm 2025 “giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS” đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Trong đó, cần chú trọng thực hiện tốt khâu rà soát, nắm danh sách các hộ đồng bào DTTS không có đất ở, không có đất sản xuất.

Ông Võ Văn Lương- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho rằng, đây là một “chỉ tiêu mở”, vì thực tế luôn biến động.

Có thể tháng này không còn hộ DTTS thiếu đất ở (hoặc đất sản xuất), nhưng tháng sau, một vài gia đình có con lấy vợ, lấy chồng nên tách hộ, hoặc  thiên tai gây vùi lấp, sạt lở, thế là lại xảy ra tình trạng thiếu đất- ông Võ Văn Lương phân tích.

Vì vậy, chính quyền cơ sở phải nỗ lực và linh hoạt trong giải quyết. Đặc biệt phải luôn bám làng sát hộ để nắm bắt kịp thời hộ thiếu đất phát sinh để kiến nghị cấp có thẩm quyền có phương án xử lý kịp thời.

Huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương làm tốt công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS. Đến nay, có 99,87% hộ đồng bào DTTS có đất ở và 99,6% hộ đồng bào DTTS có đất sản xuất.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bố mẹ, người thân sang nhượng, thừa kế, cho, tặng đất ở, đất sản xuất cho con, cháu khi tách hộ, lập vườn.

Đánh giá lại thực trạng tình hình sử dụng đất của các nông, lâm trường, các doanh nghiệp chưa hiệu quả, sai mục đích, đất gần khu dân cư để đề xuất với cấp có thẩm quyền thu hồi đất, bàn giao về địa phương quản lý tạo quỹ đất, hỗ trợ đồng bào DTTS thiếu đất.

Chú trọng đầu tư chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trên cơ sở sử dụng có hiệu quả diện tích đất hiện có, trong điều kiện không mở rộng được diện tích đất sản xuất.

Hồng Lam

Chuyên mục khác