Hơ Moong đối mặt với hạn hán

03/04/2019 06:26

​Hơn 20ha cà phê thiếu nước tưới, khoảng 1,2ha lúa khô cháy, hơn 70 giếng nước đã cạn kiệt… là thực trạng tình hình hạn hán diễn ra tại xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy). Vì vậy, cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân xã Hơ Moong đang dồn sức cho việc chống hạn nhằm bảo đảm sản xuất và cuộc sống của người dân tại địa phương.

Tp trung chống hạn cho cây trồng

Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Sa Thầy, thời tiết nắng nóng kéo dài làm nguồn nước tại các sông suối, ao hồ trên địa bàn xã Hơ Moong bị cạn kiệt. Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn đang đối mặt với tình trạng thiếu nước, trong đó, đã có hơn 20ha cà phê bị hạn, 1,2ha lúa đã bị mất trắng.

Ông Mai Nhữ Nam – Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết: Đã mấy tháng nay, trên địa bàn xã Hơ Moong chưa có một trận mưa nào. Hiện nay, các nguồn nước tưới đều đã cạn kiệt, hạn hán đang diễn ra rất gay gắt. Nếu tình trạng nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài trong một thời gian nữa thì khả năng sẽ có 5 - 7ha lúa bị khô hạn, ngặt nhất là vào thời điểm cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, trổ bông nên nguy cơ mất trắng là rất cao, 15 – 25ha cây ăn quả và cà phê đang trong tình trạng “báo động đỏ” vì thiếu nước.

Nhiều ruộng lúa đã bị khô cháy. Ảnh: T.H

 

Để hạn chế thấp nhất diện tích cây trồng bị khô hạn, chính quyền và người dân xã Hơ Moong đã và đang triển khai nhiều giải pháp chống hạn.

Theo ông Mai Nhữ Nam, chính quyền xã Hơ Moong đã cử cán bộ thường xuyên khảo sát, tìm hiểu, nắm bắt cụ thể tình hình hạn hán, vận động nhân dân nạo vét, khơi thông dòng chảy, tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới.

Đối với những khu vực bị hạn nặng, chính quyền địa phương đã bỏ kinh phí thuê máy đào về múc sâu các lòng suối, cử tiểu đội dân quân tự vệ tham gia khơi dòng, hỗ trợ người dân bơm nước tưới cho cây trồng.

Riêng đối với cây cà phê - một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân, địa phương vận động người dân thương lượng nhau tưới luân phiên, kể cả là phải tưới đêm nhằm đảm bảo không để gia đình nào có diện tích bị hạn lớn, thiệt hại dồn lên một số hộ.

Bên cạnh đó, chính quyền xã Hơ Moong mượn tạm nguồn kinh phí gần 17 triệu đồng để hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: có người gặp tai nạn, rủi ro; người neo đơn hoặc hộ quá nghèo để mua dầu, sửa máy bơm. Mức hỗ trợ trước mắt là từ 300.000 - 500.000 đồng cho gia đình có từ 1ha cây trồng trở lên, từ 200.000 - 300.000 đồng cho hộ có dưới 1ha cây trồng. Đồng thời, huy động dân quân, người dân lân cận chung sức giúp đỡ các hộ này bơm tưới, cố gắng không để vườn cây nào bị chết.

Nan giải bài toán nước sinh hoạt

Tính đến hết tháng 3, toàn xã Hơ Moong đã có hơn 70 giếng nước sinh hoạt của người dân bị cạn kiệt. Trong đó, thôn Tân Sang có gần 50 giếng với khoảng trên 70% số hộ dân bị thiếu nước, những giếng nước cạn kiệt còn lại nằm ở thôn K’tu.

Việc đảm bảo nước sinh hoạt là một trong những vấn đề cấp bách, được chính quyền xã Hơ Moong đặt lên hàng đầu và đang tập trung chỉ đạo tìm giải pháp nhằm đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người dân. Nhưng nhìn chung, vấn đề này vô cùng nan giải.

Nhà ông Chinh Văn Dũng phải huy động mọi thau chậu để trữ nước sạch xin từ giếng của các hộ còn nước vể để dùng. Ảnh: T.H

 

Ông Mai Nhữ Nam chia sẻ: Xã Hơ Moong đã vận động nhân dân nạo nét, sửa chữa, khơi thông đập đầu nguồn của 4 công trình nước tự chảy để lấy nước sinh hoạt. Riêng ở thôn K’tu do hệ thống nước tự chảy bị hư hỏng, nên hiện nay có khoảng 50% số hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền vận động người dân trong thôn K’tu chia sẻ nguồn nước từ các giếng còn nước, sử dụng nguồn nước từ 2 giếng khoan của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và của nhà nguyện. Nan giải nhất hiện nay là chuyện nước sinh hoạt của thôn Tân Sang. Đến thời điểm hiện tại hơn 70% số hộ dân của thôn này thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Anh Quách Văn Cường (thôn Tân Sang) kể: Giếng nhà tôi đào sâu tới 25m, vậy mà gần 2 tháng nay giếng khô nước. Để cả tuần may ra mới bơm được 1 thau chừng 30 lít nước đục ngầu, chỉ để cho mấy con ngan, gà uống đỡ, còn nước sinh hoạt của cả gia đình 5 người phải mua với mức giá 100.000 đồng/bồn 2m3. Vì vậy, gia đình tôi thực hiện chính sách tiết kiệm nước tuyệt đối, nước vo gạo thì để dành rửa rau, rửa rau xong để đổ cho gà... thế mà cứ  2 - 3 ngày lại phải mua nước một lần. Không có nước nên heo, bò không nuôi được, rau cũng chẳng trồng được, thật là khổ đủ đường...

“Người dân trong thôn hết sức chia sẻ với nhau, nhưng khổ nỗi số lượng các hộ có giếng còn nước kha khá rất ít nên không thể phân chia hết. Vì thế, nhiều hộ phải bỏ tiền mua nước của 1 hộ dân có giếng dưới sát lòng hồ thuỷ điện Plei Krông chở lên bán với giá 50.000 đồng/m3 để sử dụng. Các gia đình có con em đi học tại 2 điểm trường mầm non và tiểu học tại thôn cũng phải đóng 20.000 đồng/cháu/tháng để mua nước dùng cho các cháu” - ông Nguyễn Đức Toàn - Thôn phó thôn Tân Sang cho biết thêm.  

Theo các hộ dân thôn Tân Sang, năm nào vào mùa khô tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra ở thôn, nhưng năm nay đến sớm và gay gắt hơn nhiều so với các năm trước. Người dân cũng đã tính đến phương án góp tiền khoan giếng, nhưng theo khảo sát của đơn vị thi công thì do tầng địa chất ở đây không phù hợp nên giếng khoan không có nước, nếu có cũng rất ít và chỉ được vài năm là hết nước. Do đó, giải pháp duy nhất buộc các hộ dân nơi đây phải lựa chọn là mua nước với giá cao để dùng chờ đến mùa mưa.

Thời điểm này đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô với những diễn biến thời tiết khó lường, hạn hán đang đe dọa sản xuất và cuộc sống của người dân. Với việc huy động cả hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc chống hạn, hy vọng rằng thiệt hại do hạn hán gây ra đối với Hơ Moong sẽ được hạn chế thấp nhất, cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương được bảo đảm.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác