05/09/2022 06:01
Những năm qua, với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa dần phát triển, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành, tạo ra nguồn nông sản dồi dào không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu. Do đó, để tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản, đặc biệt là trái cây tươi “xuất ngoại”, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Hoài Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Thời gian qua, Chi cục phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trồng trọt triển khai đăng ký, xây dựng quy trình sản xuất để được cấp mã số vùng trồng. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc bà con ghi chép đầy đủ thông tin, quá trình chăm sóc, thu hoạch vào sổ nông hộ; khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 6 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp cho các sản phẩm trái cây. Trong đó, có 3 mã số vùng trồng chuối tiêu hồng của Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ Bắc Tây Nguyên Farm với diện tích 38,2ha; 3 mã số vùng trồng mít Thái với diện tích 103ha của Công ty TNHH Sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà) để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.
|
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cấp 6 mã số vùng trồng, gồm 2 mã số vùng trồng sầu riêng tại huyện Sa Thầy với diện tích 31,6ha; 3 mã số vùng trồng chuối già Nam Mỹ với diện tích 56,81ha và 1 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Duy Tân tại xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai).
Theo ông Nguyễn Hoài Tâm, được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc triển khai mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định, bởi đây là lĩnh vực mới đối với cơ quan quản lý và tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản phục vụ xuất khẩu, nên quá trình triển khai ít nhiều còn lúng túng. Tiêu chuẩn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng đòi hỏi quy mô, diện tích tối thiểu 10ha cho chủ yếu một loại cây ăn quả gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng. Mặt khác, người dân và các địa phương chưa hiểu rõ những lợi ích mã số vùng trồng mang lại nên chưa chú trọng xây dựng liên kết để tạo thành vùng nguyên liệu tập trung.
Để có nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất được cấp mã số vùng trồng nhằm đưa hàng hóa nông sản của tỉnh “vươn xa”, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất xây dựng các “cánh đồng lớn”, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GloballGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.
Có thể thấy, mã số vùng trồng góp phần quan trọng trong tạo dựng niềm tin và khẳng định uy tín của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc xây dựng mã số vùng trồng giúp thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương về sản xuất nông nghiệp, hướng đến mở rộng về quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp phát triển trong tương lai.
Thiên Hương