06/11/2022 06:05
Trước đây, gia đình chị Y Dom ở thôn Nông Nhầy 2 (xã Đăk Nông) nghèo lắm, làm quanh năm suốt tháng nhưng đời sống hết sức khó khăn, luôn túng quẩn, “thiếu trước, hụt sau”. Được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động, năm 2012, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CHXH huyện để đầu tư trồng 2ha cao su, hơn 1ha bời lời, 1ha mì, 2 sào lúa nước 2 vụ, chăn nuôi gia cầm.
Nhờ làm ăn có hiệu quả, chị trả hết nợ vay, có thêm nguồn vốn tích luỹ. Năm 2017, chị tiếp tục vay 50 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn cây cao su, bời lời; xây dựng nhà ở, giếng nước, nhà vệ sinh khang trang. Đến nay, gia đình chị có thu nhập bình quân hàng năm trên 120 triệu đồng, trả hết nợ vay và thoát khỏi hộ nghèo năm 2021.
|
Hàng xóm của chị Y Dom là chị Y Hiền. Năm 2012, chị Y Hiền vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Ngọc Hồi đầu tư trồng 1,2ha cao su; nuôi 4 con bò, 12 con heo đen và heo sọc dưa. Ngoài ra, 2 vợ chồng còn nhận khoán 2,7ha cao su của Nông trường Cao su Dục Nông với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng. Năm 2017, chị bán 4 con bò, trả nợ vay cũ và vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư nuôi hơn 100 con gia cầm và tăng đàn heo lên hơn 20 con. Nhờ biết cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, tích luỹ vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất, gia đình chị Y Hiền có thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình chị trả hết nợ vay, xây nhà khang trang, có cuộc sống ổn định và thoát khỏi danh sách hộ nghèo từ năm 2020.
Ông Nông Văn Hùng- Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Ngọc Hồi cho biết: Tính đến 30/6/2022, tổng vốn cho vay trên địa bàn đạt 444,406 tỷ đồng, tăng 436,554 tỷ đồng so với năm 2003. Trong đó, vốn cân đối từ Trung ương 432,161 tỷ đồng, vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 21,170 tỷ đồng, vốn ủy thác ngân sách tỉnh 6,545 triệu đồng, vốn ủy thác ngân sách huyện 5,700 tỷ đồng.
Nguồn vốn chính sách tín dụng thực hiện với 19 chương trình cho vay (tăng 17 chương trình so với trước năm 2003), gồm các đối tượng thụ hưởng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách an sinh xã hội.
|
Thông qua triển khai thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã giúp cho 15 lao động có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài; hơn 3.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hơn 300 học sinh được vay vốn để mua máy tính phục vụ học trực tuyến; xây dựng và sửa chữa gần 22.000 công trình nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường; duy trì và tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động, góp phần giúp cho hơn 11.000 hộ vươn lên thoát nghèo.
“Có được kết quả này là nhờ mạng lưới hoạt động của Tổ TK&VV khá hiệu quả. Toàn huyện có 187 Tổ TK&VV, hoạt động đều khắp ở 68 thôn, tổ dân phố. Hoạt động của mạng lưới Tổ TK&VV rất quan trọng, có tác động rất lớn đến việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Bởi lẽ, việc bình xét cho vay, chọn đối tượng vay xuất phát từ Tổ TK&VV, nên ý thức sử dụng đồng vốn và thực hiện tốt nghĩa vụ vay, trả nợ, trả lãi hàng tháng của người vay đều chịu tác động rất lớn từ vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý Tổ TK&VV” - ông Nông Văn Hùng chia sẻ.
Sau 20 năm (2002-20222) triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, nguồn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư cho gần 46.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm, học tập. Từ đó, người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đưa kinh tế- xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đóng góp vào phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn huyện Ngọc Hồi.
Quang Định