Hiệu quả từ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW

25/06/2022 06:04

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự phối hợp của các ngành, địa phương, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đưa Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” vào đời sống, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân và sự phát triển kinh tế ở địa phương. 

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt và đưa Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh.

Theo ông A Cường - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thông qua công tác quán triệt, tuyên truyền, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh tạo bước đột phá về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và hội viên nông dân trong tỉnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân và phong trào nông dân. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất và đời sống của cán bộ, hội viên nông dân có những chuyển biến tích cực.

Sản xuất lúa thơm chất lượng cao ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà. Ảnh: VN

 

Phát triển chanh không hạt theo hướng VietGAP ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy. Ảnh: VN

 

Trên lĩnh vực trồng trọt, Hội Nông dân các cấp phối hợp với Sở KH&CN, Sở NN&PTNT đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao áp dụng vào sản xuất tại các địa phương như: Rau, hoa xứ lạnh; các giống lúa chất lượng cao, các giống lúa nước ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp cho vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly và Plei Krông (giống lúa VS1, PC6); các giống mì (KM 140, SM 937-26) có khả năng chịu hạn; các giống mía (K95-156, Suphanburi, K88-92, LK92-11) cho năng suất cao, chịu hạn tốt; các loài dược liệu (sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, lan kim tuyến, ngũ vị tử, sa nhân, đương quy, sâm cau, sâm bố chính); các loại cây công nghiệp (cà phê vối TR4, TN1, TN2, F5TN; cao su PB260…).

Trong chăn nuôi, hội viên nông dân nuôi các giống bò lai, heo siêu nạc, thử nghiệm thành công các giống cá, tôm nước ngọt có giá trị kinh tế cao (cá niên, cá trắm đen, lăng nha, thát lát cườm, diêu hồng, tôm càng xanh...). Ngoài ra, Hội Nông dân cấp còn phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá hồi và chuyển giao công nghệ ương ấp cá tầm cho 24 lượt hội viên nông dân huyện Kon Plông. 

Trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu, Hội Nông dân các cấp phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ hội viên nông dân, tổ hợp tác sản xuất, bảo quản và chế biến một số sản phẩm như: Sâm Ngọc Linh; xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP và chế biến sản phẩm từ hồng đẳng sâm, khổ qua đạt tiêu chuẩn ISO 22.000; ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất dịch chiết từ đông trùng hạ thảo, hồng đẳng sâm, chiết xuất cao từ đương quy; trồng và sơ chế sản phẩm gấc; chế biến trà ô long, sản xuất nước giải khát hồng đẳng sâm đóng lon và cao hồng đẳng sâm…

Các cấp Hội Nông dân còn tuyên truyền, vận động hội viên nông dân ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các chế phẩm sinh học từ các phụ phẩm nông nghiệp, ủ giá thể để làm phân bón; sản xuất giá thể hữu cơ phục vụ trong sản xuất các loại rau, cây cảnh; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh hại cây sâm Ngọc Linh để nâng cao chất lượng và hiệu quả sâm Ngọc Linh. Một số cơ sở, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất một số sản phẩm phân bón gồm phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học; ứng dụng chế phẩm trong xử lý chất thải, khử mùi trong chăn nuôi, đệm lót sinh học; cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản… tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Các mô hình trên được các hộ nông dân tiếp nhận và triển khai ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh thành lập đoàn cán bộ, hội viên nông dân tham gia tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; sản phẩm OCOP; tham gia các chương trình, diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ và tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và các hội nghị, hội thảo liên quan đến chuyển giao công nghệ. Các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động nhiều hội viên nông dân viết ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ nhất do UBND tỉnh tổ chức. Các sản phẩm của các dự án dự thi đã hoàn thiện, thương mại hóa, đạt sản phẩm OCOP của tỉnh và có chỗ đứng trên thị trường.

Với những nỗ lực trên, có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW trên đia bàn tỉnh đã tạo ra những tác động tích cực, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, tạo giá trị gia tăng và chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao; đồng thời góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân và phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.      

Văn Nhiên

Chuyên mục khác