Hiệu quả từ tái canh cà phê

11/07/2023 13:21

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về chủ trương tái canh cây cà phê, những năm qua, huyện Đăk Hà quan tâm chỉ đạo, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân triển khai thực hiện “Đề án tái canh cây cà phê” nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế.

Cuối tháng 6/2023, tôi về Hà Mòn- địa phương có diện tích cà phê tái canh lớn nhất huyện Đăk Hà để tìm hiểu về câu chuyện tái canh cây cà phê.

Chị Phạm Thị Giang- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Mòn nhiệt tình đưa tôi đi thăm vườn cà phê tái canh của hộ ông Nguyễn Duy Tăng ở thôn Thống Nhất, hộ ông Lê Lân và hộ ông Nguyễn Văn Như ở thôn Bình Minh.

Gia đình ông Nguyễn Duy Tăng có 5 sào cà phê tái canh năm 2019. Ông sử dụng giống cà phê TRS1 do Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê EAKMAT (Bộ NN&PTNT) cung cấp. Theo ông Tăng, vườn cây cà phê tái canh của gia đình phát triển đồng đều, chống sâu bệnh tốt, năng suất và sản lượng cao hơn giống cà phê trước đây. Trong thời gian kiến thiết cơ bản, ông còn trồng xen đậu phộng, bắp, ớt… nên cho thu nhập cao hơn trước.

Vườn cà phê tái canh của ông Nguyễn Duy Tăng. Ảnh: Q.Đ

 

Cũng như ông Nguyễn Duy Tăng, gia đình ông Lê Lân đầu tư trồng 1ha cà phê. Năm 2019, gia đình ông Lân phá bỏ 0,4ha cà phê già cỗi, năng suất thấp để tái canh. Ông thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, sử dụng phân chuồng, phân vi sinh, không phun thuốc trừ sâu độc hại. Năm 2022, ông thu hoạch sản phẩm từ 1ha cà phê, bán được hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư thu lãi trên 65 triệu đồng, trong đó lãi từ vườn cà phê tái canh khoảng 40 triệu đồng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Như có 2ha cà phê trồng từ năm 1990. Năm 2017, ông thực hiện tái canh 1ha, sử dụng giống mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. Theo ông, các giống cà phê mới gia đình ông trồng có năng suất cao hơn giống cũ khoảng 4 tấn tươi/ha. Niên vụ cà phê 2022-2023, tổng thu nhập vườn cà phê 2ha là 300 triệu đồng (riêng vườn cà phê tái canh khoảng 180 triệu đồng), sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình ông có lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng. 

Ông Ngô Hồng Hưng- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: Thời gian qua, thực hiện chủ trương tái canh cây cà phê, Phòng NN&PTNT huyện thực hiện  hỗ trợ 10.000 cây giống cà phê cho các hộ nông dân có nhu cầu; trong đó thị trấn Đăk Hà 4.000 cây, xã Đăk Mar 500 cây, xã Đăk Ngọk 2.500 cây, xã Đăk La 3.000 cây.

Vườn cà phê tái canh của ông Lê Lân. Ảnh: QĐ

 

Từ năm 2016 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà hướng dẫn người dân, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật tái canh cà phê theo Quy trình của Bộ NN&PTNT và tham gia Chương trình hỗ trợ cây cà phê giống hàng năm của Công ty Nestle Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê EAKMAT; vận động nhân dân sử dụng các giống cà phê mới như TRS1, TR4, TR5, TR9. Đây là các giống cây được các đơn vị nghiên cứu khoa học xác nhận, có khả năng chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết, kháng bệnh rỉ sắt, cho năng suất ổn định, chất lượng hạt tốt. Trong quy trình sản xuất, sử dụng biện pháp tưới bằng hệ thống phun mưa; ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh; sử dụng các dạng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân vi sinh để bón cho cây trồng.

Theo ông Hưng, để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích trong những năm đầu thực hiện tái canh cây cà phê, người dân đã trồng xen canh các loại cây ăn quả, cây đậu, cây ớt, cây bắp... Đến năm 2023, có trên 1/3 diện tích cà phê (hơn 4.000ha) được trồng xen, thu nhập tăng thêm từ trồng xen cây ăn quả, cây nông sản ngắn ngày khoảng 50-60 triệu đồng/ha. Xã Hà Mòn là địa phương thực hiện tái canh đạt tỷ lệ cao nhất, đạt 157,21% so với kế hoạch đề ra (tái canh 134ha, kế hoạch là 85ha).

Qua tìm hiểu của chúng tôi, các hộ dân trồng cà phê cho biết, cây cà phê tái canh, sau trồng khoảng 4 năm, sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài chính của nhiều hộ dân hạn hẹp, việc tái canh cà phê cần nhiều vốn; trong khi đó, vốn vay ngân hàng theo chương trình ít, lại giải ngân theo cung đoạn và phải thế chấp tài sản khi vay nên người nông dân có nhu cầu khó tiếp cận được.

Người dân ở huyện Đăk Hà đề nghị chính quyền, ngành NN&PTNT, các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ nhân dân kinh phí vận chuyển và xét nghiệm mẫu đất trước khi thực hiện tái canh; chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc trồng,  chăm sóc cà phê; có chính sách tín dụng ưu đãi cho các hộ tái canh cà phê như nâng mức cho vay, vay trọn gói, hạ lãi suất, ân hạn trả nợ hoặc vay tín chấp, bảo lãnh tùy trường hợp cụ thể...

Trong thời gian tới, huyện Đăk Hà tiếp tục triển khai Đề án tái canh cà phê theo chủ trương của Bộ NN&PTNT; vận động doanh nghiệp, nhân dân tái canh theo hướng sản xuất cà phê hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, UTZ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đưa sản phẩm cà phê Đăk Hà “xuất ngoại” nhiều nước trên thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.  

Huyện Ðăk Hà hiện có 12.430 ha cà phê, trong đó diện tích tái canh là 1.106 ha. Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 -2025, huyện đặt mục tiêu tái canh 619 ha cà phê. 

Quang Định 

Chuyên mục khác