Hiệu quả từ nuôi cá lồng bè tại hồ thủy lợi

28/05/2023 13:17

Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Đăk Tô đã tận dụng diện tích mặt nước tại khu vực hồ chứa các công trình thủy lợi trên địa bàn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, mang lại nguồn lợi kinh tế rất đáng kể.

Hồ thủy lợi Đăk Na nằm trên địa bàn thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô có diện tích mặt nước trên 11,5ha. Nguồn nước trong hồ thủy lợi này ít bị tác động bởi ô nhiễm chất thải trong đời sống, sinh hoạt của con người, nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, tháng 10/2021, người dân thôn Kon Tu Dốp 2 thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè xã Pô Kô với 6 thành viên (tất cả đều là người dân tộc Ba Na) để nuôi cá, tăng thêm nguồn thu nhập cho hộ gia đình.

Trên cơ sở góp vốn, các thành viên tổ hợp tác đầu tư 12 lồng nuôi cá trên hồ thủy lợi Đăk Na, nuôi cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng và cá trắm đen. Sau hơn 18 tháng triển khai, đến nay, tổ hợp tác đã xuất bán được 2 tấn cá thương phẩm, thu lợi trên 50 triệu đồng.

Nuôi cá lồng bè tại hồ thủy lợi Đăk Na, xã Pô Kô. Ảnh: TL

 

Ngoài ra, tổ hợp tác còn tiến hành thả cá giống với kinh phí 30 triệu đồng vào trong hồ thủy lợi Đăk Na. Khi cá đảm bảo trọng lượng, tổ hợp tác sẽ thu hoạch, tăng thu nhập cho các thành viên.

Anh A Thúc, thành viên tổ hợp tác tâm sự: Nuôi cá lồng bè trên hồ thủy lợi có ưu điểm là dễ chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, góp phần giảm chi phí nuôi. Nuôi cá lồng bè giúp các thành viên có thêm việc làm, tăng thu nhập, từng bước vươn lên để phát triển kinh tế gia đình. Các thành viên trong tổ hợp tác thay phiên nhau cho cá ăn và bảo vệ lồng bè. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, vào 9h sáng và 17h chiều. Tôi thấy việc nuôi cá trong lồng bè khá đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Đến thời điểm này, đàn cá chưa bị dịch bệnh nào lớn gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Tại hồ thủy lợi Cầu Ri trên địa bàn thôn 4, xã Diên Bình, gia đình ông Đinh Văn Nghĩa nuôi cá từ năm 2019 đến nay. Trong các lồng bè, gia đình ông nuôi cá diêu hồng và rô phi; phía bên ngoài lồng bè là các loại cá trắm, cá chép, cá mè, cá trê, cá lóc.

Ông Nghĩa cho biết: Nuôi cá tại khu vực hồ thủy lợi giúp cá khỏe mạnh, lớn nhanh hơn so với phương pháp nuôi cá trong các ao, hồ. Hiện nay, gia đình tôi đang thuê 2 gian hàng tại Chợ trung tâm huyện Đăk Tô để bán cá thương phẩm.

Nuôi cá tại lòng hồ thủy lợi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.L

 

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô, huyện Đăk Tô đang triển khai nuôi trồng thủy sản tại các lòng hồ thủy lợi với diện tích trên 13ha; tập trung chủ yếu tại  xã Pô Kô, Diên Bình, Tân Cảnh, Đăk Trăm.

Để phát huy hơn nữa nguồn lợi tại các lòng hồ thủy lợi, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Đăk Tô rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng diện tích nuôi trồng.

Anh A Thiếu- Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè xã Pô Kô nói: Hiện nay, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người dân còn hạn chế; các thành viên tổ hợp tác chúng tôi đề nghị Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn vay nhiều hơn; từ đó, có kinh phí để đầu tư thêm nhiều lồng bè, phục vụ hiệu quả cho việc phát triển kinh tế của tổ hợp tác.

Có thể nói, việc tận dụng diện tích mặt nước lớn tại các lòng hồ thủy lợi để nuôi trồng thủy sản đang là hướng đi hiệu quả; nếu được triển khai đồng bộ sẽ tạo thêm nguồn thu nhập chính đáng cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. 

Tấn Lộc

Chuyên mục khác