02/01/2019 06:32
Ông Lê Đắc ở thôn 6, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) trước kia hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm 2014, ông được Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để mua 2 con bò nuôi lấy thịt. Vài tháng sau, bán 2 con bò thịt, có vốn và lời, ông chuyển sang đầu tư mô hình chăn nuôi bò sinh sản.
Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, lại chăm chỉ làm ăn, đến nay, ông Đắc gầy được đàn bò 6 con (tính theo giá thị trường khoảng gần 90 triệu đồng) và trả hết 25 triệu đồng đã vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Đào cho biết, năm 2014, Dự án “Nuôi bò thịt theo hình thức bán công nghiệp bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững ở xã Kon Đào” được Quỹ hỗ trợ nông dân tạo điều kiện cho 20 hộ nông dân trên địa bàn vay 500 triệu đồng với thời gian vay 36 tháng (từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2017).
Từ nguồn vốn hỗ trợ, hội viên nông dân đã mua được 44 con bò theo hình thức mua bò ốm về nuôi vỗ béo trong thời gian 2 - 3 tháng rồi bán. May mắn với các hội viên nông dân là trong năm đầu tiên triển khai mô hình, giá thịt bò trên thị trường cao, các gia đình thu được nguồn lãi kha khá nên đã nhanh chóng trả được số tiền vay, đồng thời tích lũy được chút ít vốn để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Tính bình quân, mỗi hộ gia đình tham gia vào Dự án có nguồn thu nhập tăng thêm từ 20 - 30 triệu đồng.
Từ hiệu quả của Dự án, tháng 9/2017, Hội Nông dân xã Kon Đào tiếp tục xin nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển Dự án “Chăn nuôi bò sinh sản theo hình thức bán công nghiệp” với số tiền 500 triệu đồng.
“Nguồn vốn trên được xã triển khai về các thôn bình xét hỗ trợ cho 10 hộ nghèo, cận nghèo vay mua 24 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi với thời gian vay 36 tháng. Tính đến thời điểm này, đàn bò được Quỹ hỗ trợ nông dân hỗ trợ vốn đã tăng lên 40 con” - ông Tuấn nói.
Cùng với Kon Đào, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) cũng là một trong những địa phương quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân.
Tính từ tháng 1/2016 đến nay, thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện cho 12 hộ dân xã Ia Chim vay với số tiền 600 triệu đồng để xây dựng mô hình kinh tế tập thể trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 2ha.
|
Ông Lê Thế Trình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Chim chia sẻ: Qua thực tế triển khai, mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hội viên có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quỹ hỗ trợ nông dân triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 1996 thông qua nguồn quỹ của Trung ương và từ năm 2016 thông qua nguồn quỹ của tỉnh, đã hỗ trợ hàng tỷ đồng cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Riêng năm 2018, tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân triển khai trên địa bàn tỉnh là 3,1 tỷ đồng (tăng 1,1 tỷ đồng so với năm 2017) cho 23 hộ vay thực hiện 3 dự án (2 dự án chăm sóc cà phê và 1 dự án nuôi cá nước ngọt).
Ông Lê Văn Thanh - Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cho biết: Trong những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đã phát huy được hiệu quả, giúp nhà nông, nhất là các hộ khó khăn có vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình, dự án đạt hiệu quả kinh tế cao như Dự án chăn nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô), mô hình cải tạo và chăm sóc cà phê ở xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum)...
Cũng theo ông Lê Văn Thanh, trong quá trình cho vay, Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ dân có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn; chủ động, phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm và chương trình khác để phổ biến những kinh nghiệm hay, mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả; thành lập các tổ hợp tác để liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, hướng dẫn cách quản lý, sử dụng, giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Có thể khẳng định, Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những chương trình cho vay có tính thiết thực và đạt hiệu quả, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đức Thành