Hiệu quả từ một dự án hỗ trợ hộ nghèo

22/03/2017 14:05

​Năm 2014, huyện Sa Thầy tiếp cận dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững PRPP (giai đoạn 2014-2017) do Cộng hòa Ai Len tài trợ. Sau 3 năm triển khai dự án, 55 hộ nghèo của 2 xã Sa Bình và Ya Xiêr được chọn hỗ trợ tham gia mô hình nuôi bò sinh sản theo hình thức luân chuyển vốn. Mô hình này phát huy hiệu quả trong thực tế khi triển khai...

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và khả năng của hộ nghèo, sau khi tiếp cận dự án, xã Sa Bình và Ya Xiêr đã thống nhất sử dụng nguồn vốn từ dự án hỗ trợ để xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản theo hình thức luân chuyển vốn với nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng (giai đoạn 2014-2017); trong đó, dự án hỗ trợ cho 55 hộ vay không tính lãi 550 triệu đồng, nguồn vốn đối ứng của các hộ nghèo khi tham gia dự án được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay.

Xác định đây là dự án mang tính giảm nghèo bền vững nên các địa phương đã tiến hành các bước, các khâu triển khai xây dựng mô hình khá bài bản. Hộ nghèo được chọn xây dựng mô hình chủ động tham gia ở tất cả các khâu như chọn cách thức quản lý, xây dựng quy chế quản lý, giám sát quỹ quay vòng với chu kỳ 3 năm; chọn con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi... Chính quyền địa phương phân công cán bộ kỹ thuật và các ban ngành theo dõi, giám sát, hỗ trợ các hộ dân thực hiện.

Ngoài hỗ trợ về vốn chăn nuôi, dự án còn hỗ trợ giống cỏ cao sản để bà con trồng nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho vật nuôi, đảm bảo vật nuôi có đủ thức ăn quanh năm, nhất là vào mùa khô, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông của đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua 3 năm triển khai thực hiện mô hình, đàn bò sinh sản của các hộ đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, bò của 53/55 hộ tham gia mô hình đã cho bê con (1 hộ nuôi giống bò lai chưa sinh sản, 1 hộ gia đình có bò bị chết do bệnh); nhiều hộ gia đình đã có con bê thứ 2, nâng tổng số đàn bò lên 115 con (trong đó: xã Sa Bình có 64 con, xã Ya Xiêr có 51 con).

Điều phấn khởi hơn là trong số 25 hộ nghèo được hỗ trợ chăn nuôi bò của xã Ya Xiêr đến nay đã có 22 hộ thoát nghèo, 3 hộ còn lại phấn đấu thoát nghèo trong năm 2017; 30 hộ nghèo được hỗ trợ chăn nuôi bò của xã Sa Bình cũng đã có 10 hộ thoát nghèo (theo tiêu chí cũ).

Ông A Hể - 1 trong 4 hộ nghèo ở làng Rắc (xã Ya Xiêr) được hỗ trợ nuôi bò từ dự án cho biết, tham gia dự án, gia đình được hỗ trợ mua 1 con bò giống sinh sản trị giá 18 triệu đồng; trong đó, 10 triệu đồng được hỗ trợ từ dự án PRPP, còn lại gia đình ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đối ứng.

“Do được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ… nên gia đình chúng tôi chăm sóc bò giống bảo đảm phát triển tốt. Đến nay, con bò giống đã sinh sản được 2 con bê con. Nhờ vậy, gia đình tôi không chỉ thoát được nghèo mà điều kiện kinh tế có thể lo cho đứa con trai thứ 2 học đại học” - ông A Hể chia sẻ.

Năm 2017 cũng là thời điểm gia đình ông A Hể phải hoàn trả vốn dự án (10 triệu đồng) cho địa phương để luân chuyển cho hộ nghèo khác mua bò chăn nuôi để giảm nghèo. Mùa thu hoạch mì đang đến, gia đình ông A Hể cũng đang tính đến chuyện gom góp tiền để hoàn trả vốn vay không tính lãi theo quy định.

Theo Phó Chủ tịch xã Ya Xiêr – A H Mão, dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản theo hình thức luân chuyển vốn đã giúp cho địa phương chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch giảm nghèo; đồng thời, từng bước giúp hộ nghèo xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, một số hộ gia đình được hỗ trợ nuôi bò từ dự án không những hoàn trả được vốn trước thời hạn mà đang có ý chí vươn lên làm giàu như hộ gia đình Lương Văn Bình (dân tộc Thái) ở thôn 1 hay như hộ gia đình A Teo, A Thoang ở làng O.

Anh A Teo (ở làng O, xã Ya Xiêr) phấn khởi chia sẻ: Trước đây không biết cách làm ăn nên bị cái nghèo đeo bám mãi. Năm 2014, được dự án hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình vay thêm 6 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 1 con bò sinh sản. Đến nay, bò giống đã sinh sản được 2 con bê.

Kết hợp chăn nuôi bò, năm 2016, vợ chồng A Teo còn cố gắng phục hóa đất bỏ hoang để trồng 3ha mì. Cuối năm vừa rồi, thu hoạch mì xong vợ chồng đã có tiền hoàn trả lại cho dự án trước thời hạn quy định để luân chuyển cho hộ nghèo khác.

Đưa chúng tôi đi tham quan chuồng trại chăn nuôi của gia đình với đàn bò 4 con béo tốt do đứa con trai mới lùa từ rẫy về, ông A Thôn ở làng Khúc Na (xã Sa Bình) cho biết, ban đầu được dự án hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình vay thêm 7 triệu đồng để mua 1 con bò giống về nuôi. 1 năm sau thấy bò đã sinh sản, dễ nuôi, lại được giá nên gia đình quyết định vay thêm tiền để mua 1 con bò giống sinh sản nữa về nuôi; đến nay, con bò này cũng đã sinh được 1 con bê.

Đàn bò béo tốt của gia đình ông A Thôn ở làng Khúc Na, xã Sa Bình. Ảnh: T.Q

 

Ông A Thôn bộc bạch thêm, thoát được nghèo là niềm vui rất lớn với gia đình mình. Hiện tại, 2 vợ chồng đang cố gắng chăm sóc đàn bò dự tính cuối năm nay sẽ bán bớt 1 con và bù thêm ít tiền từ việc bán mì để hoàn trả vốn cho dự án.

Triển khai thực hiện dự án PRPP, ngoài việc cam kết phải thoát nghèo, thì trong năm đầu tiên hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn không tính lãi phải hoàn trả 40% vốn, năm thứ 2 hoàn trả tiếp 30% vốn, năm cuối cùng hoàn trả 30% vốn còn lại để chuyển giao cho hộ nghèo khác.

Mặc dù việc chăn nuôi và kết quả giảm nghèo có sự chuyển biến rõ nét nhưng vấn đề thu hồi vốn của các địa phương thời gian qua cũng gặp khó khăn. Cụ thể, trong số 25 hộ tham gia mô hình của xã Ya Xiêr mới có 3 hộ trả 100% vốn, 4 hộ trả 50% vốn; đối với xã Sa Bình vẫn chưa có trường hợp nào hoàn trả được vốn.

Giải thích về khó khăn này, theo chính quyền các địa phương là do những năm qua việc trồng trọt của bà con gặp khó khăn vì hạn hán, giá cả nông sản hạ nhiệt. Tuy nhiên, đối với các hộ dân tham gia dự án, ai cũng ý thức được việc phải hoàn trả vốn để các hộ nghèo khác có cơ hội thoát nghèo.

Tú Quyên 

Chuyên mục khác