Hiệu quả từ mô hình vỗ béo bò xã Kroong

04/11/2017 07:22

Trong chăn nuôi bò, việc vỗ béo bò là hình thức chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng lâu nay ít được các địa phương chú trọng. Thấy được vấn đề này, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho nhiều hộ dân xã Kroong (thành phố Kon Tum) thực hiện mô hình vỗ béo bò theo hình thức kỹ thuật mới. Mô hình phát huy hiệu quả kinh tế và giúp nhiều hộ kiếm thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Đến thăm các hộ tham gia thực hiện mô hình ở thôn Trung Nghĩa Tây, chúng tôi thấy người dân thực sự tâm đắc với mô hình này. Trao đổi việc vỗ béo bò, ông Nguyễn Văn Vấn bộc bạch: Đàn bò mua về trước khi vỗ béo thường gầy, nhưng sau khi vỗ béo, con nào cũng mập mạp, to khỏe. Bò tăng trọng bình quân trên 70 kg/con trong thời gian 4 tháng nuôi. Sau khi hoạch toán kinh tế, trừ chi phí thức ăn (bột cám), thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho bò, gia đình lãi hơn 1 triệu đồng/con/tháng. Gia đình vỗ béo 6 con bò/lứa, tính ra lãi hơn 6 triệu đồng/tháng từ vỗ béo bò. Mô hình vỗ béo bò theo kỹ thuật chăn nuôi mới được nông dân đánh giá cao và được nhân rộng ở địa phương.

Ở thôn Trung Nghĩa Đông, chúng tôi gặp ông Trần Văn Dũng tham gia vỗ béo bò. Ông Dũng cho biết, ở thôn đất chật người đông, thời gian nông dân nhàn nhiều. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tranh thủ thời gian nông nhàn, gia đình mua 4 con bò gầy về tham gia vỗ béo. Trước khi vỗ béo, gia đình xổ giun sán cho bò theo yêu cầu kỹ thuật. Khi vỗ béo, gia đình cho bò ăn bột cám tổng hợp, đồng thời bổ sung thêm thức ăn xanh (cỏ) và thức ăn khô (rơm) theo quy định. Được ăn uống đủ chất, đàn bò lớn nhanh. Sau 4 tháng vỗ béo, trừ hết chi phí chăn nuôi, tính ra gia đình lãi gần 5 triệu đồng/tháng.

Đánh giá việc thực hiện chương trình, ông Dũng cho biết thêm: Trước đây gia đình cũng vỗ béo bò, nhưng theo phương pháp truyền thống, không dùng cám tổng hợp và thuốc diệt nội, ngoại ký sinh trùng cho bò nên bò chậm lớn hơn, hiệu quả kinh tế không cao bằng khi tham gia chương trình này.

Đàn bò của ông Đỗ Văn Ảnh tham gia vỗ béo theo quy trình kỹ thuật mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao. Ảnh: V.N

 

Phấn chấn trước việc thực hiện có hiệu quả mô hình, ông Đỗ Văn Ảnh (thôn Trung Nghĩa Đông) khẳng định: Tham gia vỗ béo bò theo quy trình kỹ thuật mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao, thời gian vỗ béo rút ngắn từ 5-6 tháng xuống còn 3-4 tháng nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ tham gia vỗ béo bò (5 con/lứa) theo quy trình kỹ thuật, gia đình ông có thu nhập thêm hơn 5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống gia đình ổn định và nâng cao hơn trước.  

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để việc vỗ béo phát huy hiệu quả kinh tế, đối tượng bò được cán bộ Trung tâm hướng dẫn người dân lựa chọn là những con bò không sử dụng để cày kéo, vắt sữa, sinh sản; bò đực; không mắc các bệnh truyền nhiễm; bò lai từ 18-24 tháng tuổi có mắt tinh, thân hình cân đối…Toàn xã có 35 hộ tham gia vỗ béo 100 con bò. Nguồn thức ăn chính trong vỗ béo được Trung tâm lựa chọn là bột cảm tổng hợp. Tuy nhiên, bên cạnh bột cám tổng hợp, Trung tâm còn hướng dẫn bà con sử dụng thêm các thực phẩm tự chế biến như: cỏ khô, cỏ ủ xanh, ủ urê và các phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung thức ăn cho bò…

Bột cám tổng hợp cho vỗ béo bò. Ảnh: V.N

 

Trong việc thực hiện mô hình này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ hỗ trợ 50% bột cám tổng hợp, thuốc tẩy nội ngoại ký sinh trùng; người dân đối ứng 50%. Sau 4 tháng nuôi, bò tăng trọng bình quân 70-75 kg/con.  Trừ hết các khoản chi phí, bình quân mỗi con bò nông dân tham gia chương trình lãi 1,18 triệu đồng/tháng.

Từ hiệu quả thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề nghị Đảng ủy, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở xã tuyên truyền, vận động các hộ dân nhân rộng mô hình; đồng thời tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm cho các hộ dân khác học tập làm theo.

                                                                     Văn Nhiên

Chuyên mục khác