Hiệu quả từ mô hình trồng rau phủ bạt

14/07/2022 06:02

Không dễ xây dựng nhà lưới, nhà màng vì chi phí đầu tư cao, song sử dụng màng (bạt) phủ luống để trồng trọt là cách ai cũng có thể áp dụng, nhằm mang lại hiệu quả cho sản xuất, nhất là trong mùa mưa. 
Trồng rau phủ bạt mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: TN

 

Theo ông Nguyễn Duy Điệp - thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau VietGap 1-5 (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) người tiên phong triển khai mô hình trồng cây phủ bạt của thành phố Kon Tum; khi triển khai mô hình này cần chi phí nhất định để mua vật liệu, song hiệu quả là không thể phủ nhận. Trong điều kiện sản xuất ở khu vực thời tiết đặc thù, mùa mưa kéo dài như tỉnh ta, biện pháp kỹ thuật này được nhiều bà con chọn lựa.

 Phủ bạt thường được sử dụng cho các loại cây trồng theo hàng và thực tế cho thấy, nó không chỉ chứng minh tính hiệu quả với việc trồng các loại dưa (dưa hấu, dưa  gang, dưa leo…), mà còn  được xem là biện pháp hữu hiệu đối với các loại rau như cà chua, khổ qua, ớt, đậu cô ve… 

Điều dễ nhận ra, là so với các loại rau ăn lá thông thường (như rau cải, rau muống, mồng tơi…), các loại cây thích hợp để phủ bạt có thời gian sinh trưởng dài hơn và quy trình chăm sóc mang tính đặc thù hơn nên cần được bảo vệ an toàn trước sự tấn công của cỏ dại, sâu bệnh, cũng như diễn biến bất thường của thời tiết.

Từ trải nghiệm của chính gia đình mình, bà Nguyễn Thị Lệ (Tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã rút ra những kinh nghiệm cần thiết trong việc trồng cà chua phủ bạt vào mùa mưa. Theo đó, trước khi xuống giống, đất phải được cày cuốc, phơi ải thật kỹ để loại trừ mầm sâu, bệnh hại; cuốc cho tơi mịn và lên luống cao 30cm, bề mặt luống rộng 1,35m, luống cách luống 30 cm. Dùng bạt phủ kín mặt luống sau khi đã bón lót cẩn thận bằng phân chuồng hoai mục và phân vi sinh cộng với vôi bột theo liều lượng thích hợp. Lưu ý, lấy đất lấp phần chân bạt cho chắc chắn, tránh bạt bị tung, hất. Trước khi xuống giống, dùng vỏ lon sữa bò đục từng lỗ trên mặt luống đã phủ bạt theo kích thước phù hợp.

Trồng cà chua phủ bạt theo quy trình kỹ thuật không chỉ hạn chế được sâu và bệnh hại, tiết kiệm công làm cỏ, mà còn phát huy được hiệu quả của phân bón, giữ độ ẩm, tránh rửa trôi dinh dưỡng; đặc biệt là nâng cao năng suất cây trồng, thuận lợi trong việc thu hoạch, kéo dài thời gian thu hái.

Đó cũng chính là những ưu điểm nổi bật mà việc sử dụng bạt phủ với thâm canh cây trồng. Trong quá trình sản xuất, mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị sản xuất đều có thể tự rút ra những kinh nghiệm thực tế, tự xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác để chủ động phát huy lợi thế, khắc phục tồn tại, mang lại  hiệu quả đầu tư cao nhất cho chính mình.

Từ một số mô hình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ban đầu, hiện nay, phương pháp phủ bạt cho cây trồng đã được áp dụng rộng rãi và trở thành xu hướng sản xuất tích cực trong mùa mưa của bà con nông dân, nhất là tại các vùng chuyên canh rau xanh.

Điều đó càng có ý nghĩa thiết thực hơn trong xu thế đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, Globalgap…, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm an toàn gắn với hình thành và phát triển các sản phẩm rau - củ - quả mang thương hiệu OCOP.

Thanh Như

Chuyên mục khác