Hiệu quả từ mô hình nuôi hươu sao ở xã Ia Dom

18/08/2019 13:10

Mạnh dạn đầu tư kinh phí nuôi hươu sao, hàng năm, các hộ dân ở thôn 4, xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) có nguồn thu nhập ổn định vài chục triệu đồng từ việc chăn nuôi vật nuôi này.

Cách đây hơn 3 năm, anh Nguyễn Xuân Tiến (ở thôn 4, xã Ia Dom) tự lên mạng tìm hiểu cách nuôi hươu sao (loài động vật hoang dã được Nhà nước cho phép người dân nuôi để thoát nghèo). Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình ở các địa phương, anh Tiến quyết định tìm hiểu thực tế mô hình nuôi hươu số lượng lớn ở huyện Ea Kar (tỉnh Đăk Lăk).

Anh Nguyễn Xuân Tiến cho biết, để phát triển kinh tế gia đình, anh chọn hướng phát triển chăn nuôi, vì đất sản xuất của gia đình anh không nhiều. Ngoài nuôi bò và gia cầm, anh luôn đắn đo tìm hiểu để đầu tư nuôi các vật nuôi có hiệu quả kinh tế khác nhằm tăng thu nhập của gia đình. Qua tìm hiểu, nhận thấy việc nuôi hươu mang nhiều hiệu quả và phù hợp với điều kiện tự nhiên ở xã Ia Dom nên quyết định đầu tư kinh phí mua hươu giống về nuôi.

Anh Tiến bỏ ra số tiền hơn 40 triệu đồng để mua 2 cặp hươu giống và đầu tư thêm gần 7 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. “Chuồng nuôi hươu yêu cầu thiết kế cao hơn so với chuồng nuôi bò. Vì là động vật hoang dã nên chuồng nuôi hươu phải kín và chắc chắn”, anh Tiến nói.

Chia sẻ về những thuận lợi khi nuôi hươu, anh Tiến cho hay, nuôi hươu rất nhàn vì chỉ nhốt trong chuồng, không phải chăn thả hay dắt đi ăn hàng ngày như nuôi bò. Nguồn nguyên liệu thức ăn như cỏ vôi, lá mít, lá sung, lá cây trứng cá, chuối… luôn dồi dào, dễ tìm. Bản thân con hươu cũng ít bị dịch bệnh so với các loài vật nuôi khác.

Với 2 cặp hươu, đến nay, anh Tiến thu về hơn 120 triệu đồng (sau khi trừ chi phí) từ việc bán 5 con hươu giống và 3kg nhung (sừng). Anh chia sẻ, trong đông y, nhung hươu là 1 trong 4 loại thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ), vì biết được công dụng nên nhung hươu của anh luôn đắt hàng và được nhiều người tìm đến mua.

Nuôi hươu đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Nguyễn Xuân Tiến. Ảnh: ĐT 

 

Thấy việc nuôi hươu của anh Tiến đem lại hiệu quả, các hộ dân ở xã Ia Dom, Ia Tơi, Ia Đal (huyện Ia H’Drai) hay người dân ở các xã của huyện Sa Thầy đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua hươu giống về nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Vi Thanh Hà (thôn 4, xã Ia Dom) - một trong những hộ mới bắt đầu nuôi hươu cho biết, cách đây hơn 1 năm, anh mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia H’Drai để mua 2 cặp hươu giống từ tỉnh Đăk Lăk về nuôi. Đến nay, đàn hươu của gia đình anh tăng lên được 6 con. Ngoài có thêm hươu giống, anh Hà còn bán nhung được gần 35 triệu đồng.

Mỗi năm, vào thời điểm mùa xuân, hươu cái sẽ sinh sản và hươu đực sẽ cho thu hoạch nhung. Để nhân giống và phát triển đàn hươu, anh Hà bố trí, ngăn chuồng một cách khoa học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thức ăn cũng phải sạch và ráo nước.

Hiện tại, anh Tiến và anh Hà đang xây dựng thêm chuồng trại cũng như trồng thêm cỏ để thời gian tới phát triển, nhân rộng đàn hươu của gia đình.

Ông Trần Việt Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia H’Drai đánh giá, việc nuôi hươu lấy nhung và con giống bước đầu cho kết quả đáng mừng, giúp các hộ dân nâng cao được thu nhập, đây là hướng đi đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phù hợp với tình hình của địa phương.

Ông Dũng khẳng định, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Ia H’Drai sẽ hỗ trợ việc đăng ký, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu nuôi hươu; đồng thời, khuyến khích nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục mạnh dạn phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế mới.

Có thể thấy, với số tiền đầu tư không lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, việc nuôi hươu đem lại nguồn thu ổn định, không chỉ góp phần giúp người dân ở xã Ia Dom thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu.            

Đức Thành

Chuyên mục khác